Đứa con ra đời lần này, an ủi cho Hoa hơn, nhờ “cái sự” lai Mỹ của cha nó, mũi cao da trắng, tóc vàng. Đó là một đứa con gái khôi ngô, ngộ nghĩnh. Dù cũng là con nhưng Hoa đã nghiêng hẳn tình cảm về cho cô bé này hơn con Hai Ca, con của Chà Kasatri vừa đen đúa vừa xí gái.
Cũng nhờ biết dành dụm theo kiểu “dạy dỗ” của bà Tư, mặc dù kể từ nay không có sự bảo bọc của John, nhưng Hoa đã có sẵn một số vốn làm ăn sinh lời. Từ một cô bé ở đợ cho Chà Kasatri, làm vợ tháng vợ năm cho thằng Mỹ háo sắc, cô Hoa trở thành cô Hoa cho vay nổi tiếng ở vùng Tân Sơn Nhất, chạy dài đến ngã ba Ông Tạ.
Ngày tháng trôi qua, hai đứa con gái của Hoa lớn dần lên trong sự sung túc của người mẹ không chồng có tiền bạc và của cải khá bộn.
Hoa tách rời đời sống ba mẹ con nàng ra khỏi những liên hệ lỉnh kỉnh với đám đàn ông thấy người có của nhào vô… cho đến một ngày kia tình cờ Hoa nhận được một lá thư từ bên Mỹ của John gởi qua. Theo nội dung thư, thì John đề nghị Hoa chạy chọt xin đi một chuyến du lịch sang Hoa Kỳ. Làm cách nào để đến được Hoa Kỳ, dù dưới dạng thủ tục nào cũng được, và những chuyện sau đó sẽ hạ hồi phân giải.
Dưới thời đại đó, “tiền bạc là chìa khoá mở mọi thứ cửa.” Bốn tháng sau đó ba mẹ con Hoa đã hoàn tất thủ tục du lịch Mỹ quốc.
Lúc đầu khi nhận thơ John, Hoa còn phân vân về cái xứ sở xa lạ có lá cờ với rất nhiều ngôi sao của John, nhưng nhìn lại đời sống hiện tại của mình tại chính quê hương nàng cũng thấy bẽ bàng quá xá. Tiền bạc, của cải, nhan sắc không giúp cho Hoa thoát khỏi vòng thị phi dè bỉu của người Việt Nam. Cái cố chấp khinh khi một người con gái có chồng ngoại quốc luôn vây hãm xâu xé mọi giao thiệp của Hoa với người chung quanh. Tiền bạc Hoa ngửi thì thơm thiệt, nhưng tâm tình Hoa thì không được ai ứng đáp. Ba mẹ con Hoa sống đầy đủ về mặt vật chất, nhưng tinh thần lạc long lạ kỳ, từ những mắt nhìn xỉa xói của đám người đố kỵ ghen tức, “một con Hoa mẹ Mỹ, mẹ Chà”, “Nó chỉ là con điếm giàu không hơn không kém”…
Những bạc bẽo này là động cơ thúc hối Hoa “đã lỡ nhúng chàm rồi, thọc xuống luôn.” “Thây kẹ, tới đâu thì tới, xuất ngoại cho đã đời cái đã.”
Hoa không ngờ ra đi kỳ này đã là một chia lìa vĩnh viễn giữa Hoa với quê cha đất tổ. Chỉ riêng cho Hoa và con Hai Ca mà thôi, chứ với Hồng, đứa con gái của John thì rõ ràng nó đang tìm về quê nội của nó.
Những ngày tháng đầu tiên trên đất Mỹ, với mớ tiếng Mỹ bồi và cách sống ngớ ngẩn quê mùa của Hoa đã mang lại gia đình Hoa thật nhiều bứt rứt. Mặc dù John, như trong thơ đã hứa, lo chu toàn cho Hoa về nơi ăn chốn ở rất tươm tất. Một căn nhà ba phòng khang trang ở ngoại ô thành phố Kansas City, thuộc tiểu bang lạnh có hạng của nước Mỹ.
John bây giờ đã được giải ngũ, anh ta làm thợ trong một công ty điện xa nhà 40 cây số Anh. Biết hoàn cảnh buồn thảm của Hoa trong nỗi lòng ly xứ, John luôn tổ chức đưa Hoa đến thăm bạn bè dòng họ bên anh ta, với hy vọng cho Hoa chút ấm cúng gia đình. Nhưng ngôn ngữ bất đồng, nếp sống khác biệt, Hoa mất hoàn toàn hứng thú trong mọi cuộc giao tiếp với người Mỹ.