Hoa sanh được một tháng, thằng John mừng rỡ ra mặt. Không phải mừng vì có thằng con ghẻ lai Chà mà mừng vì Hoa đã mạnh khoẻ. Gái một con trổ mã lứa đầu xôm tự cỡ nào, giống cái nhà lá bỗng dưng trở thành nhà ngói chói chang. John nưng con thì ít mà nựng mẹ thì nhiều. Hắn vồn vã một cách tích cực theo cái kiểu cửa hàng đóng cửa lâu ngày, nay tự dưng được cho phép mở lại. Khách quen háo hức tới tìm mua lia lịa. Điều này mở mắt cho Hoa thấy rõ hơn về tính chất nuôi dưỡng của bọn đàn ông Mỹ. Sau lưng sự cưu mang của họ là một toan tính kỹ lưỡng. Hoa bỗng thấy mình có giá. Kiểu gái một con trông mòn con mắt. Nàng chưng diện tối đa. Theo đúng “bài thuốc” chỉ dẫn của bà Tư. “Nó lợi dụng mình, mình phại “địa” lại nó.” Mỗi lần John đòi lên giàn phóng, chiếc hoả tiễn của Hoa chuẩn bị thiệt chu đáo nẹt lửa rầm rầm.
Bài vở chuẩn bị thì hay nhưng chẳng qua là do số trời. Một tháng sau đó, Hoa lại dính bầu nj74a. Hoa không hiểu tại sao mà lại kỳ vậy. Bà Tư đã chỉ vẽ đường đi nước bước thật kỹ, thật mạch lạc, tại sao nàng còn bị trúng hầm chông của thằng John? Tính Hoa cũng lạ thật. Khi đã mang thai rồi, nàng không bao giờ nghĩ đến chuyện phá nó đi. Bản chất sợ tội lỗi kiếp sau phải trả luôn luôn đay nghiến lòng nàng. Thà chấp nhận thương đau còn hơn huỷ bỏ cục máu trong bụng, dù nó được cấu kết bởi ai. Thằng Chà Kasatri hay thằng John cũng vậy. John thì lăng xăng, quờ quạng, líu lo chăm sóc kiểu con gà trống lần đầu tiên nghe gà mái cục tác. John ầm ĩ khoe với bạn bè rằng nó sắp có một tác phẩm để đời. Rằng trong cuộc đời viễn chinh của hắn đã tạo ra một ý nghĩa lớn lao.
John thuê một căn phố khác rộng hơn, đẹp hơn cho Hoa ở. Nó biện luận có vẻ khoan dung và giai cấp: Con của nó với Hoa sẽ ra đời phải ở trong hoàn cảnh khả quan sung túc hơn lúc Hoa sinh con của thằng Kasatri. Thằng cha Á châu da đen phải thua thằng cha Huê Kỳ Mỹ quốc. Nhờ những toan tính có vẻ “đàn anh” này mà trong thời gian sau khi bầu bì, Hoa tương đối có một cuộc sống phì nhiêu hơn. Bạn bè Hoa lúc này cũng tới thăm nom nàng tấp nập. Người thì vay nợ, kẻ thì nhờ Hoa nói với thằng John giúp đỡ mua hàng PX; nhiều người tham lợi quá, cũng ước mong cặp được với một thằng Mỹ giống John, rồi cho nó để một bụng. Xong rồi đời lên hương ngay. Nghĩ là nghĩ vậy, nhưng họ đâu phải ai cũng giống Hoa, vừa quê mùa vừa có nhan sắc. Mặt rỗ môi thâm làm sao so với má hồng răng trắng được?
Bề ngoài Hoa cười vui líu lo với hàng xóm, nhưng bên trong lòng Hoa thì rầu thúi ruột. Ai đời mới sinh con được hai tháng lại mang bầu một tháng. Đứa con gái đầu lòng, con của Chà Kasatri, cũng may không giống bố mấy, nó lai nước da của Hoa, trong nó hơi trắng trắng, cộng với lỗ mũi cao, miệng rộng nên cũng kháu khỉnh, Hoa gởi nó cho bà Tư hàng xóm nuôi, theo ý thằng John muốn vậy. Bà Tư thấy con nhỏ không có khai sinh, mẹ nó lại giao nó cho bà quá sớm, bà coi mình như mẹ đỡ đầu, bà đặt tên cho nó là con Hai Ca để nhớ cái tê đầu của cha nó là thằng Chà Kasatri. Con Hai Ca, theo bà thì nó bất hạnh hơn đứa em nó hiện còn đang nằm trong bụng mẹ, bởi vì ít ra nó cũng có cha chăm sóc mẹ trong lúc tối lửa tắt đèn.
Cuộc đời đẩy đưa người ta đến chai lì lúc nào cũng không biết. Khi cảm nhận mình có chửa, Hoa âu sầu, rầu rĩ biết bao nhiêu nhưng đến khi cái bụng lớn rồi, Hoa thâykệ chấp nhận, tới đâu thì tới, miễn là phải tìm cách “địa” thằng John cho thật nhiều tiền, sắm được nhiều của rồi hạ hồi phân giải. Ở cái đất Sài gòn này, hễ nhiều tiền lắm bạc, cái gì cũng giải quyết được. Hoa mặc kệ mấy đứa nhỏ trong xóm mỗi lần gặp mặt chúng, chúng chọc quê Hoa:
“Thấy em có chửa muốn chừa, chừa rồi hết chửa lại ưa…
Ưa xong có chửa nên chừa nữa, chừa nữa đẻ rồi thì lại ưa…”
Mỗi lần bị chúng chế nhạo như vậy, muốn chúng im cái mồm thối lại, Hoa phải quẳng cho chúng một gói Salem. Chúng có thuốc, ngậm hút thì cái mồm phải câ lại là chuyện đương nhiên. Chúng không chọc Hoa kiểu này, nhưng chúng rỉ tai nhau gọi Hoa là “con Hoa chửa”. Cái tên nghe thiệt là thô tục nhưng rất trúng với cảnh đời của nàng. Chỉ một bước vấp ngã, đời Hoa đã đổi thay như diều đứt giây bait trong gió ngàn.
Cái số kiếp sanh con không cha hình như đã tròng quấn vào đời Hoa không biết tự lúc nào. Cho nên cứ mỗi lần đến ngày sinh nở, Hoa lại lâm vào tình cảnh này.
Còn chừng một tháng để “khai hoa nở nhuỵ” đứa con thứ hai thì John lại có lệnh về nước. Cũng giống như đứa con trước, Hoa chỉ còn có bà Tư hàng xóm chăm lo mọi việc đỡ đần đẻ chửa.