Lần đầu tiên San được gặp thầy Mười vào một ngày hè, trời thực oi bức. Buổi sáng hôm đó đã có một trận mưa nho nhỏ, nhưng không làm cho cái nóng của Sàigòn giảm sút chút nào?
Vừa bước vào vườn cây thầy Mười, San đã cảm thấy tâm hồn thực thảnh thơi. Có lẽ mầu xanh của lá, hương thơm của hoa, cũng như dáng dấp của những chùm mận nặng trĩu trên cành làm chàng quên đi một Sàigòn đầy cát bụi.
Hôm nay, San và sư phụ chàng tới gặp thầy Mười có hai mục đích: Thứ nhất là đem một thân chủ xuống cho thầy Mười giúp dùm vài công chuyện nan giải. Thứ hai là thầy Tư muốn giới thiệu San với thầy Mười, vì cách đây mấy tháng, San đã chính thức được làm lễ “Xuất Sư”.
Thầy Mười chính là đệ tử duy nhất, xuống núi sau cùng và kề cận Sư Tổ khi mãn phần. Cũng vì lý do này, những sư huynh đệ của thầy Mười rất kiêng nể ông trong đó có sư phụ San.
Được gặp thầy Mười là một điều thích thú. San đã nôn nóng muốn gặp ông từ lâu, nhưng không được phép. Có lẽ với kinh nghiệm nhiều năm, hễ cứ học trò nào đem xuống giới thiệu cho thầy Mười là y như rằng; không sớm thì muộn, thầy Tư mất luôn đệ tử đó!
Họ thường lén lén, lút lút xuống cầu xin thầy Mười chỉ dạy những điều thầy Tư chỉ dành cho những đệ tử đã được làm lễ xuất sư, có nghĩa là có thể lập am thâu đệ tử, quảng bá môn phái.
Những người sau khi đã được làm lễ xuất sư rồi, không bao giừ được nhận người khác làm thầy mình nữa, mặc dù cho có học hỏi ở người đó trăm ngàn phép thuật, cũng chỉ coi là trao đổi và cùng tu luyện mà thôi. Đó là lý do duy nhất San biết tại sao, dù thầy Tư rất quí mến thầy Mười và mà hôm nay chàng mới được gặp thầy Mười. Điều này đã mặc nhiên cho thấy; trên phương diện tu luyện, quảng bá pháp thuật của môn phái đã có sự cạnh tranh thương mại rồi!
Vừa bước chân qua cổng vườn, mấy con chó nhào ra sủa vang, cô thân chủ theo sau vội thụt lại. Thầy Tư cười hì hì, nói lớn:
– Thầy Mười đâu rồi, không ra đuổi mấy con chó quỉ này đi, bộ trốn trong đó đặng tụi tôi nấu xong nồi thịt cầy mới ra phải không?
Tiếng cười thực sảng khoái vang lên làm cho mọi người giật mình. Thầy Mười đang leo xuống từ một cây mận gần đó, vừa cười vừa nói:
– Cứ mỗi lần thầy Tư xuống thăm tôi là hăm thịt mấy thằng đệ tử này của tôi. Bữa nào tôi làm thịt một con xem thầy có dám ăn không?
Trong môn phái điều kỵ nhất là ăn thịt chó. Cũng vì vậy mà mấy ông thầy thường đem vấn đề ăn thịt chó nói chơi hoài.
Có một điều không hiểu tại sao, hồi San chưa nhập môn đã ăn thịt chó nhlều lần mà không thấy khoái khẩu chút nào, nếu không muốn nói là sau này thấy người ta ăn thịt chó là mình còn buồn nôn nữa. Vậy mà sau khi theo thầy Tư học bùa, luyện ngải, thịt chó là món ăn làm San thèm thuồng, tới nhiều khi muốn bỏ thầy, lìa Tổ, để chén một bữa thịt cầy cho thỏa mãn. Cũng vì thế mà chàng hiểu tâm trạng của cả thầy Tư lẫn thầy Mười, thường lôi vấn đề ăn thịt chó ra nói cho đỡ thèm.
Lơn tơn đi ra cổng, thầy Mười vẫn giữ nụ cười thật tươi. Tới đuổi mấy con chó đi, thầy Mười chỉ ngay San nói:
– Có phải chú em này là thầy San đó không?
San giật mình vì không hiểu tại sao thầy Mười lại biết mình, thầy Tư quay qua nhìn San cười hì hì.
– Tôi dám chắc mấy thằng đệ tử tôi đem hình thầy cho thầy Mười coi rồi. Thầy đừng có để thầy Mười dằn mặt đó.
San cười giả lả.
– Dạ thưa thầy con đâu dám. Với thầy Mười thì cần gì phải dằn mặt. Lúc nào con lại không biết đang đứng trước núi Thái Sơn. Là học trò của thầy từ lâu, ai lại không biết thầy Mười là đệ tử cưng của Sư Tổ. Chính thầy là sư huynh của thầy Mười, thầy cũng biết điều đó hơn ai hết mà.
Thầy Tư mỉm cười, ông biết San vừa nhắc khéo thầy Mười thân phận bề trên của mình, điều mà nhiều khi vì tài giỏi hơn thầy Tư, thầy Mười thường né tránh cấp bậc đàn em đó.
Thầy Mười cười lớn.
– Khéo thật, khéo thật. Chỉ một câu nói diện kiến này của thầy San, tôi đã biết thầy Tư chọn không lầm người cho xuất sư. Chẳng bù với đám đệ tử của tôi, không đáng sách dép cho thầy. Thôi, mời tất cả vô nhà đi.
San vừa định nói thêm vài lời tâng bốc, thầy Mười đã quay lưng đi vô trong. Mọi người lẽo đẽo theo sau.
Hình như thầy Mười không chạy, coi bộ ông ta đi rất thong thả mà vừa đó đã tới thềm nhà rồi, trong khi mọi người còn lếch thếch ở mãi ngoài sân.
Thầy Tư lẩm bẩm:
– Lại giở trò rồi, đó là phép thâu đất. Đi một bước bằng ba. Tôi biết, hễ gặp đệ tử mới của tôi là thế nào ông ấy cũng dằn mặt. Chứng nào vẫn tật đó.
San mỉm cười:
– Với ai thì thầy lo, còn con đã xuất sư rồi, những điều thầy Mười biết, mình cũng biết chứ có lạ lùng gì đâu.
Thầy Tư lắc đầu.
– Thầy lầm rồi, trong môn phái, cả trăm người được xuất sư, nhưng chưa có ai qua mặt được thầy Mười đâu. Nhiều điều thầy Mười làm mà tôi chưa bao giờ được nghe Sư Tổ nói tới, chứ đừng nói là luyện được nữa.
– Như vậy có nghĩa là Sư Tổ mãn phần, thầy Mười đương nhiên là chưởng môn.
Thầy Tư lắc đầu.
– Không phả chỉ vậy, lúc đầu ai cũng tưởng như thế. Khi thầy Mười mang tin Sư Tổ chết về, họp anh em lại, dở bức di chúc của Sư Tổ ra. Ai cũng tưởng là di huấn lập thầy Mười lên làm chưởng môn. Lúc đó, tụi tôi đứa nào cũng lễ mể đem quà tặng tới. Đến khi mở tờ di huấn ra, chỉ có vẻn vẹn mấy chữ:
Phật tại tâm.
Bạo phát bạo tàn.
Hồn ai nấy giữ.
Chân không.
Đúng là nét chữ của Sư Tổ, mọi người hoảng kinh vì biết là Sư Tổ không chỉ định chưởng môn mà để lại một lời cảnh cáo thôi.
Tuy nhiên, hai chữ cuối cùng “Chân không” thì quả thực chưa ai hiểu thấu.
Nhiều người lấy thiền triết ra giải nhưng cũng không ổn, vì có nhiều lẽ nghịch lý với môn phái. Cái không không của nhà Phật cũng chẳng hạp với những gì các đệ tử trong môn phái đã học được. Bởi vậy, cho tới giờ này, di huấn vẫn là một điều bí mật.
– Bây giờ tờ di huấn đó ở đâu hả thầy?
– Để ở trong am thầy Mười.
Con muốn coi được không?
– Ai coi mà không được, duy chỉ có điều thầy Mười lộng vô khuôn lớn để sau lưng tượng Phật Tổ, gắn liền vào tường, che màn lên nên không gỡ ra được.
– Trong số các thầy, bộ không ai muốn giữ tờ di huấn của Sư Tổ à?
– Ai mà không muốn, nhưng mà thầy Mười đâu phải tay dở!!
Tự nhiên San linh cảm có điều gì không ổn. Di huấn của Sư Tổ chưa được hiểu rõ ràng và đó cũng là những lời duy nhất của vị Sư Tổ sau cùng để lại. Nay thầy Mười giữ để thờ phụng. Như vậy, có khác gì chính thầy Mười là chưởng đâu.