Giang Nam lục quái từ đó định cư ở sa mạc dạy võ công cho Quách Tĩnh và Đà Lôi. Thiết Mộc Chân biết bản lĩnh cận chiến ấy chỉ có thể phòng thân chứ không đủ để xưng vương chiếm đất, vì vậy bắt Đà Lôi và Quách Tĩnh chỉ học quyền cước qua loa, còn phần lớn thời gian thì học các công phu cưỡi ngựa bắn tên, xung thành hãm trận trên chiến trường. Loại tài năng này thì không phải là sở trường của lục quái, nên người dạy hai đứa chủ yếu vẫn là Thần tiễn thủ Triết Biệt và Bác Nhĩ Hốt.
Cứ mỗi buổi chiều Giang Nam lục quái lại gọi riêng Quách Tĩnh tới, quyền kiếm ám khí, khinh công nội công từng môn, từng môn dạy cho. Quách Tĩnh thiên tư ngu độn nhưng được cái là biết chỉ có dựa vào nhưng công phu ấy mới trả thù được cho cha nên cắn răng vùi đầu khổ luyện. Tuy nó lãnh hội được rất ít những chỗ khéo léo uyển chuyển của Chu Thông. Toàn Kim Phát. Hàn Tiểu Oanh, nhưng công phu cơ bản của Hàn Bảo Câu và Nam Hy Nhân dạy cho thì nó nhất nhất luyện tập theo, quả nhiên luyện thành rất thuần thục. Nhưng những công phu căn bản ấy cũng chỉ có thể làm thân thể khỏe mạnh mà thôi, rốt lại vẫn không phải là thủ đoạn khắc địch chế thắng. Hàn Bảo Câu thường nói:
– Ngươi luyện công cũng như lạc đà mạnh thì mạnh đấy, nhưng lạc đà có đánh thắng được báo không?
Quách Tĩnh nghe thế chỉ cười ngờ nghệch.
Lục quái tuy ra sức dạy dỗ không hề trễ nải, nhưng thấy dạy mười chiêu thì nó chỉ học được không đầy một chiêu cũng không khỏi chán nản, lúc ngồi riêng nói chuyện với nhau chỉ lắc đầu thở dài, đều biết muốn thắng được đồ đệ của Khưu Xử Cơ thì chỉ có một trong trăm phần, có điều cái hẹn còn đó, chẳng lẽ bỏ ngang nửa chừng. Nhưng Toàn Kim Phát là người buôn bán, giỏi tính toán, thường nói:
– Khưu Xử Cơ muốn tìm được vợ họ Dương, nhiều lắm cũng chỉ có tám phần hy vọng, trước mắt chúng ta đã thắng được hai phần rồi. Vợ họ Dương biết đâu lại sinh ra con gái, chỉ có một nửa là sinh được con trai, chúng ta lại thắng được bốn phần nữa. Nếu là con trai cũng chưa chắc đã nuôi được đến lớn, chúng ta lại thắng thêm một phần. Cứ cho là nuôi được đến lớn đi, thì biết đâu cũng ngu ngốc như Tĩnh nhi. Cho nên tôi nói chúng ta đã chiếm được tám phần thắng rồi.
Ngũ quái nghĩ nói thế cũng không sai, nhưng nói con trai họ Dương học võ cũng ngu xuẩn như Quách Tĩnh thì chẳng qua chỉ là lời an ủi của Toàn Kim Phát. Nhưng rốt lại Quách Tĩnh tính nết thuần hậu, lại biết vâng lời lục quái, về nhân cách của y thì vô cùng vui mừng.
Trên thảo nguyên sa mạc phía bắc, mùa hè cỏ xanh, mùa đông tuyết trải, thấm thoát đã qua mười năm. Quách Tĩnh đã là một thiếu niên mười sáu tuổi to lớn khỏe mạnh, chỉ còn cách cái hẹn hai năm. Giang Nam lục quái đốc thúc y càng nghiêm ngặt, bắt y tạm ngừng luyện tập cung ngựa, từ sáng đến tối chỉ khổ luyện quyền kiếm.
Trong mười năm ấy. Thiết Mộc Chân chinh chiến không ngừng, thôn tính rất nhiều bộ tộc trên sa mạc. Y thống suất quân sĩ kỷ luật nghiêm minh, ai cũng dũng cảm thiện chiến, y lại trí dũng song toàn, hoặc lấy sức đánh, hoặc dùng mưu cướp, tung hoành ở phương bắc không ai chống nổi. Lại thêm bò ngựa sinh sôi nảy nở, nhân khẩu cũng tăng lên, dần dần đã có cái thế sánh ngang Vương Hãn.
Gió bắc dần tắt, tuyết lớn ngừng rơi, sa mạc phương bắc vẫn còn giá lạnh.
Hôm ấy là tiết Thanh minh. Giang Nam lục quái dậy sớm, mang lễ vật tam sinh cùng Quách Tĩnh đi tảo mộ Trương A Sinh. Người Mông Cổ không định cư một chỗ, lúc ấy chỗ họ ở cách mộ Trương A Sinh khá xa, ngựa hay phóng mau hơn nửa ngày mới tới. Bảy người lên núi hoang, quét dọn tuyết đọng trên mộ, đốt nến thắp hương quỳ lạy trước phần mộ.
Hàn Tiểu Oanh lầm rầm khấn khứa Ngũ ca, mười năm nay chúng tôi dốc lòng dốc sức dạy dỗ thằng nhỏ này, chỉ là y thiên tư không cao, không thể học hết công phu của chúng tôi. Nhưng mong Ngũ ca trên trời linh thiêng phù hộ, lúc tỷ võ năm tới ở Gia Hưng đừng để y làm mất oai phong của Giang Nam thất quái chúng ta. Lục quái vốn đều sinh trưởng ở vùng Giang Nam sông nước êm đềm, lần này cư ngụ trên sa mạc gió sắc như dao suốt mười sáu năm, băng tuyết phôi pha, râu tóc đều lốm đốm bạc. Hàn Tiểu Oanh phong tư tuy không giảm nhưng cũng không còn nhan sắc như xưa.
Chu Thông nhìn tới mấy đống đầu lâu cạnh phần mộ trải gió tuyết mười năm vẫn chưa mục nát, trong lòng cảm khái vô cùng. Trong bấy nhiêu năm y và Toàn Kim Phát hai người đã sục sạo khắp từng xó hang góc động trong mấy trăm dặm chung quanh để tìm xác Thiết thi Mai Siêu Phong. Người này nếu trúng độc mà chết nhất định phải còn hài cốt, còn nếu chưa chết thì một người đàn bà mù lòa như y thị rất khó có thể ẩn náu suốt bấy nhiêu năm mà không để lộ ra dấu vết, nào ngờ y thị lại như hồn ma đột nhiên mất tích, chỉ còn một ngôi mộ nhỏ, mấy đống đầu lâu trên núi hoang ghi lại ác tích của Hắc Phong song sát năm xưa.
Bảy người bày rượu thịt ra ăn uống trước phần mộ rồi trở về, nghỉ ngơi một lúc, lục quái bèn dắt Quách Tĩnh ra sườn núi luyện võ.
Hôm ấy y và Tứ sư phụ Nam Sơn tiều tử Nam Hy Nhân đối chiêu luyện Khai sơn chưởng pháp. Nam Hy Nhân cố ý giục y thi triển hết công phu, liên tiếp đánh bảy tám mươi chiêu, chợt chưởng trái vỗ ra một cái, lật người dùng một chiêu Thương ưng bác thố, tay chưởng từ trên đập xuống. Quách Tĩnh đang định lui lại biến chiêu thì Nam Hy Nhân kêu lên:
– Nhớ lấy chiêu này?
Tay trái vươn ra vỗ vào trước ngực Quách Tĩnh. Quách Tĩnh chưởng phải lập tức dựng lên, một chưởng này cũng kể là rất nhanh. Nhưng Nam Hy Nhân chưởng trái đã đánh tới chát một tiếng song chưởng giao nhau, tuy chỉ dùng ba thành công lực nhưng Quách Tĩnh thân hình đã không tự chủ được lảo đảo ngã xuống. Y chống hai tay xuống đất một cái, lập tức đứng lên, mặt đầy vẻ xấu hổ.
Nam Hy Nhân đang định chỉ điểm cho y về chỗ tinh yếu của chiêu này, chợt trong đám cây rậm vang lên hai tiếng cười, kế đó một thiếu nữ bước ra vỗ tay cười nói:
– Quách tĩnh lại bị sư phụ đánh phải không?
Quách Tĩnh đỏ bừng mặt nói:
– Ta đang luyện quyền, cô đừng tới quấy rầy!
Thiếu nữ ấy cười nói:
– Ta lại thích xem ngươi bị đánh?.
Thiếu nữ ấy chính là Hoa Tranh con gái út của Thiết Mộc Chân. Nàng tuổi cũng xấp xỉ Đà Lôi. Quách Tĩnh, từ nhỏ vẫn cùng nhau chơi đùa. Nàng vì được cha mẹ yêu chiều nên tính nết không khỏi có chỗ kiêu căng. Quách Tĩnh thì tính tình ngay thẳng, lúc nàng vô lý gây sự thì nhất định không nhường nhịn, nhưng sau khi cãi cọ không lâu lại làm hòa với nhau, lần nào cũng là Hoa Tranh tự biết mình vô lý, tới năn nỉ y. Mẹ Hoa Tranh nghĩ tới việc Quách Tĩnh từng xả thân cứu mạng con gái khỏi miệng báo nên đối xử với y rất có biệt nhãn, thường đưa biếu mẹ con y thức ăn thức mặc và gia súc.
Quách Tĩnh nói:
– Ta đang chiết chiêu với sư phụ, cô tránh ra đi!
Hoa Tranh cười nói:
– Chiết chiêu cái gì? Bị đánh thì có!
Đang trò chuyện chợt có mấy tên quân Mông Cổ cưỡi ngựa phi tới, viên Thập phu trưởng đi đầu tới gần liền tung người nhảy xuống ngựa, khẽ khom lưng nhìn Hoa Tranh, nói:
– Hoa Tranh! Đại hãn gọi cô về!
Lúc ấy người Mông Cổ chất phác không biết văn hoa, xưng hô không cung kính như người Hán, tuy Hoa Tranh là con gái của Đại hãn nhưng mọi người vẫn gọi thẳng tên. Hoa Tranh nói:
– Có chuyện gì vậy?
Viên Thập phu trưởng nói:
– Sứ giả của Vương Hãn tới rồi.
Hoa Tranh lập tức cau mày, tức giận nói:
– Ta không về.
Viên Thập phu trưởng nói:
– Cô mà không về Đại hãn sẽ nổi giận đấy.
Hoa Tranh lúc nhỏ đã được cha hứa gả cho cháu nội Vương Hãn là Đô Sử, nhưng trong bấy nhiêu năm lại gần gũi thân thiết với Quách Tĩnh, tuy ai cũng còn nhỏ chẳng biết gì là tình ái, nhưng mỗi khi nghĩ tới tương lai phải chia tay Quách Tĩnh về làm vợ Đô Sử nổi tiếng rông càn ngang ngược thì vẫn không thích, lúc ấy chẩu miệng ra im lặng không đáp, một lúc sau rốt lại cũng không dám trái lệnh cha, bèn theo viên Thập phu trưởng ra về. Vốn là Vương Hãn và Tang Côn thấy Đô Sử đã lớn, muốn chọn ngày thành hôn nên sai người đưa lễ vật qua. Thiết Mộc Chân muốn nàng gặp mặt sứ giả.
Đêm ấy Quách Tĩnh ngủ đến nửa đêm chợt nghe ngoài lều có người khẽ vỗ tay ba tiếng, y ngồi dậy chợt nghe có người dùng tiếng Hán gọi Quách Tĩnh, ngươi ra đây Quách Tĩnh hơi ngạc nhiên, nghe giọng nói không quen bèn vén một góc lều lên nhìn ra ngoài, dưới ánh trăng chỉ thấy có một người đứng dưới gốc cây lớn phía trái trước mặt.
Quách Tĩnh ra khỏi lều tới gần, chỉ thấy người ấy mặc áo rộng, tóc búi, không giống đàn ông không giống đàn bà, diện mạo bị bóng cây che khuất không nhìn rõ được. Té ra người ấy là đạo sĩ. Quách Tĩnh xưa nay lại chưa từng gặp đạo sĩ, bèn hỏi:
– Ngươi là ai? Tìm ta có chuyện gì?
Người ấy nói:
– Ngươi là Quách Tĩnh phải không?
Quách Tĩnh đáp:
– Phải!
Người ấy nói:
– Thanh chủy thủ chặt sắt như bùn của ngươi đâu? Lấy ra cho ta xem.
Rồi thân hình chớp lên một cái đã tới trước mặt, phát chưởng đánh vào ngực y.
Quách Tĩnh thấy đối phương vô cớ xuất thủ đánh người, vả lại đòn ra hung mãnh, trong lòng ngạc nhiên, lập tức lách người tránh qua, quát:
– Làm gì thế?.
Người ấy cười nói:
– Thử xem võ công của ngươi ra sao.
Tay trái vung ra đánh một quyền vào mặt Quách Tĩnh, kình lực vô cùng lợi hại.
Quách Tĩnh lửa giận bừng lên, nghiêng người tránh qua, vươn tay chụp vào cổ tay đối phương, tay trái chụp vào khuỷu tay địch nhân, chiêu Tráng sĩ đoạn uyển trong Phân cân thác cốt thủ này chỉ cần địch nhân bị nắm trúng cổ tay thì khuỷu tay nhất định sẽ bị giữ, đẩy về trước rồi giật xuống dưới một cái, cách một tiếng, khớp xương cổ tay sẽ lập tức rời khỏi chỗ. Đây là công phu Phân cân thác cốt mà Nhị sư phụ Chu Thông dạy y.
Chu Thông tuy cử chỉ ngôn ngữ rất hoạt kê, nhưng tâm tư lại rất tinh tế, y và Kha Trấn Ầc bàn riêng với nhau mấy lần, đều nghĩ rằng Mai Siêu Phong tuy hai mắt trúng độc lăng nhưng võ công quái đi, biết đâu lại có thể chừa khỏi, y thị nếu chưa chết ắt tới trả thù, càng tới chậm thì càng chuẩn bị chu đáo, thủ đoạn ắt cũng càng tàn độc. Cho nên mười năm nay tuy Mai Siêu Phong thủy chung không hề xuất hiện nhưng lục quái không những không dám trễ nải mà càng gia tâm đề phòng. Chu Thông mỗi lần nhìn tới năm vết sẹo trên mu bàn tay bị Mai Siêu Phong gây thương tích thì trong lòng lại cảm thấy sợ hãi, nghĩ tới y thị một thân công phu hoành luyện không sao bị thương, muốn chống Cửu âm bạch cốt trảo thì không gì bằng Phân cân thác cốt thủ. Môn công phu này chuyên bẻ gãy đánh trặc khớp xương người ta, dùng thủ pháp mau lẹ tấn công vào tứ chi và xương cổ đối phương, thì không kịp né tránh. Chu Thông hối hận năm xưa lúc ở Trung nguyên chưa từng thỉnh giáo các bậc danh gia giỏi môn này, trong sáu anh em lại không ai hiểu rõ. Về sau lại nghĩ võ học trong thiên hạ vốn do người ta sáng tạo ra, đã không ai truyền thụ thì chẳng lẽ mình lại không thể tự sáng tạo?
Ngoại hiệu của y là Diệu thủ thư sinh, một đôi bàn tay vô cùng mau lẹ khéo léo, lại giỏi môn điểm huyệt, hiểu rất rõ về huyệt đạo khớp xương trên cơ thể con người, có được hai sở trường lớn ấy thì nghiên cứu Phân cân thác cốt thủ không khó lắm, mấy năm gần đây đã hiểu sâu môn ấy, thủ pháp tuy không giống với công phu của người võ lâm được sư phụ truyền thụ nhưng cũng rất có oai lực, sau khi luyện tập thuần thục với Toàn Kim Phát bèn dạy cả cho Quách Tĩnh.
Lúc ấy Quách Tĩnh đột nhiên gặp phải cường địch, ra tay một cái chính là diệu thuật Phân cân thác cốt, y về công phu này đã luyện tập thuần thục. Tuy chưa thuần thục tới mức khéo léo nhưng cũng đã hơn hẳn kẻ tầm thường. Người kia đột nhiên bị nắm chặt cổ tay và khuỷu tay, sau cơn hoảng sợ vội phát chưởng trái đánh mau tới mặt Quách Tĩnh. Quách Tĩnh hai tay đang muốn đẩy tới để bẻ gãy khớp xương cổ tay địch nhân, nào ngờ chưởng thế tới quá mau, hai tay mình đều đang vướng không sao đón đỡ, đành buông hai tay ra lui về phía sau, chỉ thấy chưởng phong lướt qua mặt đau rát không sao chịu nổi, xoay người từ chỗ sáng vào chỗ tối đổi vị trí với địch nhân thì thấy y là một thiếu niên mi dài mắt sáng, diện mạo văn nhã, khoảng mười bảy mười tám tuổi, chỉ nghe y hạ giọng nói:
– Công phu không kém, không uổng công Giang Nam lục hiệp dạy dỗ mười năm.
Quách Tĩnh đơn chưởng hộ thân, giới bị nghiêm cẩn, hỏi:
– Ngươi là ai? Tìm ta có chuyện gì?
Ðạo sĩ kia nói:
– Chúng ta luyện nữa xem.
Câu nói chưa dứt chưởng đã phát ra.
Quách Tĩnh ngưng thần bất động chờ chưởng phong đánh tới trước ngực, thân hình hơi nghiêng đi một cái, tay trái bắt lấy cánh tay địch nhân, tay phải đánh mạnh lên mang tai đối thủ, chỉ cần trúng vào mặt một cái, sẽ phất mạnh ra, khớp xương quai hàm ở dưới sẽ theo tay gãy ra, chiêu này Chu Thông đặt cho một cái tên hoạt kê là Tiếu ngữ giải di, ý nói cười rơi cả xương quai hàm. Nhưng lần này thì thiếu niên kia lại không chống đỡ, tay phải lập tức rút về, chưởng trái vung ngang. Quách Tỉnh vẫn dùng Phân cân thác cốt thủ đối phó. Trong chớp mắt hai người đã qua lại hơn chục chiêu, thiếu niên đạo sĩ kia thân hình khinh linh, chưởng pháp mau lẹ nhàn nhã, chưởng chưa tới nơi thân hình đã di chuyển, không sao nhìn rõ được dấu vết thế công của y.
Quách Tĩnh sau khi học võ lần đầu gặp phải địch nhân võ công cao cường như thế, đấu được một lúc thì trong lòng khiếp sợ, thiếu niên kia cước trái phóng lên, chát một tiếng trúng vào sườn phải y. May là công phu hạ bàn của y chắc chắn, địch nhân lại dường như chưa dùng hết sức nên lúc ấy chỉ hơi lảo đảo một cái, lập tức song chưởng vung lên che chở những chỗ yếu hại, hết sức đón đỡ, lại qua vài chiêu, thiếu niên đạo sĩ kia từng bước ép sát, đã thấy chống cự không được, chợt phía sau có một giọng nói vang lên:
– Đánh vào hạ bàn của y?.
Quách Tĩnh rốt lại thiếu kinh nghiệm, cũng không biết làm thế nào là tốt, vừa phi chân phải đá ra đã bị địch nhân chụp cứng, thiếu niên đạo sĩ kia nhân thế đá của y vung tay hất ra ngoài. Quách Tĩnh thân hình không tự chủ được lộn nhào luôn xuống, bùng một tiếng lưng đập xuống đất, may mà không đau lắm. Y dùng một chiêu Lý ngư đả đỉnh lập tức ưỡn lưng bật dậy, định xông lên tái đấu, chỉ thấy sáu vị sư phụ đã vây tròn chung quanh thiếu niên đạo sĩ kia.
Đạo sĩ kia không hề chống lại, cũng không lấy thế phá vây, chắp hai tay lại lớn tiếng nói:
– Đệ tử Doãn Chí Bình vâng lệnh ân sư Trường Xuân tử Khưu đạo trưởng sai khiến xin kính cẩn thỉnh an các vị sư phụ.
Nói xong cung cung kính kính lạy rạp xuống đất.
Giang Nam lục quái nghe nói người này là do Khưu Xử Cơ sai tới, đều vô cùng ngạc nhiên, sợ là giả trá, nên không đưa tay đỡ dậy.
Doãn Chí Bình đứng lên, lấy trong bọc ra một phong thư, hai tay đưa qua Chu Thông. Kha Trấn Ác nghe thấy tiếng thanh la của quân Mông Cổ đi tuần dần dần tới gần, bèn nói:
– Chúng ta vào trong nói chuyện.
Doãn Chí Bình theo lục quái bước vào lều Mông Cổ. Toàn Kim Phát thắp ngọn đèn mỡ dê lên. Túp lều Mông Cổ này là nơi ngũ quái cùng ở. Hàn Tiểu Oanh thì ở một lều riêng dành cho phụ nữ. Doãn Chí Bình thấy trong lều trần thiết đơn giản quê mùa, biết lục quái bình nhật sinh hoạt thanh đạm nghèo khổ, khom lưng nói:
– Các vị tiền bối vất vả bấy nhiêu năm, gia sư vô cùng cảm kích, đặc biệt sai đệ tử tới trước bái tạ các vị.
Kha Trấn Ác hừ một tiếng, nghĩ thầm:
– Nếu lần này ngươi đến đây mà có ý tốt thì tại sao lại đá Tĩnh nhi ngã lộn nhào? Há chẳng phải trước khi thí võ thì cứ làm giảm oai phong của bọn ta một chút sao?.
Lúc ấy. Chu Thông đã mở phong bì, rút lá thư ra, cao giọng đọc lớn:
Đệ tử Toàn Chân giáo Khưu Xử Cơ rửa tay cúi đầu kính lạy Giang Nam lục hiệp Kha công. Chu công. Hàn công. Nam công. Toàn công và Hàn nữ hiệp:
Một lần chia tay ở Giang Nam, thấm thoát đã mười sáu năm. Thất hiệp một lời tựa ngàn vàng, gian nan vạn dặm, nghĩa khí xông mây, hải nội đều kính ngưỡng, người quen kẻ lạ đều nhìn nhau vỗ tay nói rằng: Không ngờ ngày nay vẫn còn được thấy phong thái nhân hiệp của người xưa.
Kha Trấn Ác nghe tới đó, hai hàng lông mày cau lại từ từ giãn ra. Chu Thông lại đọc tiếp:
Trương công quy tiên ở sa mạc phía Bắc, thật khiến người ta phải than thở, nỗi lòng canh cánh không ngày nào quên. Bần đạo nhờ vào phúc phận của các vị, may mà không nhục mệnh, chín năm trước đây đã tìm được dòng dõi của Dương quân Ngũ quái nghe tới đó, đồng thanh à một tiếng. Họ đã biết Khưu Xử Cơ rất giỏi, đệ tử môn nhân của Toàn Chân giáo đầy rẫy khắp thiên hạ, đã biết thế nào cũng tìm được con Dương Thiết Tâm, vì vậy luôn luôn nghĩ tới cái hẹn tỷ võ ở Gia Hưng, không ngày nào quên, nhưng tìm đứa con mồ côi cha của một người đàn bà không biết hạ lạc nơi nào rốt lại cũng là chuyện mười phần xa vời, mà sinh ra con trai hay con gái thì chỉ biết dựa vào ý trời, nếu là con gái thì võ công cũng chỉ có hạn, lúc ấy nghe trong thư nói đã tìm được con trai họ Dương, trong lòng bất giác đều rúng động.
Sáu người trước nay chưa từng nói chuyện này cho mẹ con Quách Tĩnh biết. Chu Thông nhìn Quách Tĩnh một cái thấy y có vẻ ngạc nhiên, lại đọc tiếp đoạn dưới:
Hai năm sau, vào lúc Giang Nam hoa thơm cỏ mượt, xin sẽ cùng chư công bày rượu trên lầu Túy Tiên. Đời người như hạt sương, mười tám năm đại mộng, hào kiệt trong thiên hạ há chẳng cười chúng ta là bọn vô cùng ngây ngốc sao?
Đọc tới đó chợt im bặt.
Hàn Bảo Câu hỏi: Đoạn cuối nói gì nữa?
Chu Thông nói:
– Hết rồi. Đúng là bút tích của y.
Năm xưa đánh cuộc trên tửu lâu. Chu Thông từng móc túi lấy được bản thảo bài thơ của Khu Xử Cơ nên nhận ra được bút tích của y.
Kha Trấn Ác trầm ngâm nói:
– Đứa nhỏ họ Dương kia là con trai à? Y tên Dương Khang phải không?
Doãn Chí Bình đáp:
– Vâng.
Kha Trấn Ác nói:
– Vậy thì y là sư đệ của ngươi à?
Doãn Chí Bình đáp:
– Là sư huynh của tôi. Đệ tử tuy lớn hơn một tuổi, nhưng Dương sư ca nhập môn sớm hơn hai năm.
Giang Nam thất quái mới rồi nhìn thấy công phu của y. Quách Tĩnh quả thật không phải là đối thủ. Sư đệ mà đã như thế thì sư huynh rõ ràng còn giỏi hơn, lần này tới đây cũng không khỏi có ý phô trương, mà hành tung của mình thì Khu Xử Cơ đều hiểu rõ ràng, việc Trương A Sinh qua đời y cũng đã biết, cảm thấy bên mình hoàn toàn thua kém.
Kha Trấn Ác cười gằn nói:
– Mới rồi ngươi chiết chiêu với y là muốn thử bản lãnh của y phải không?
Doãn Chí Bình nghe ngữ khí của y đầy ác ý, trong lòng hoảng sợ, vội nói:
– Đệ tử không dám.
Kha Trấn Ác nói:
– Ngươi về nói với sư phụ ngươi rằng Giang Nam lục quái tuy không bằng, nhưng cái hẹn ở Túy Tiên lâu quyết không thất hứa, bảo sư phụ ngươi cứ yên tâm. Bọn ta cũng không viết thư trả lời đâu!
Doãn Chí Bình nghe mấy câu ấy, vâng dạ thì không được, không vâng dạ cũng không được, vô cùng khó xử. Y vâng mệnh sư phụ lên Bắc đưa thư. Khưu Xử Cơ quả thật có dặn y tìm cách xem xét tính tình và võ công của Quách Tĩnh.
Trường Xuân tử quan tâm tới con trai của cố nhân thì vốn là có ý tốt. Doãn Chí Bình lại thiếu niên hiếu sự, tới cạnh Cán Nạn hà ở Mông Cổ lại không lập tức xin ra mắt lục quái mà lại nửa đêm mò vào giao thủ với Quách Tĩnh. Lúc ấy, thấy lục quái thần sắc không hay, trong lòng hoảng sợ không dám lằng nhằng, bèn hướng về mọi người thi lễ rồi nói:
– Đệ tử xin cáo từ.