Vựa vải lớn nhất miền Bắc đang trong những ngày rộ vụ. Năm nay, vải được mùa, chín đỏ rực những con đường đất gan gà, đỏ rực cả những đồi vải rộng miên man tưởng như không có điểm dừng. Nhưng, người trồng vải không vui!
Vải ám ảnh cả trong giấc ngủ
Chị Nguyễn Thị Thơm (thôn Chào Mào, xã Phượng Sơn, huyện Lục Ngạn) gần một tháng nay bận mải, tất bật với cây vải.
Nhà chị có hơn 100 gốc, tổng diện tích trồng vải gần một mẫu. Những cây vải thiều thuần chủng có tuổi đời vài chục năm, đồng nghĩa với việc ngần ấy thời gian cả gia đình chị bám trụ với nó.
Anh Nguyễn Văn Quý (thôn Chào Mào, xã Phượng Sơn): “Vải trúng mùa nhưng người dân không vui!”.
Vải vào vụ thi nhau chín đỏ, chín nhanh không kịp hái. Để kịp thu hoạch, chạy đua với thời tiết nhuộm đỏ những quả vải từ cuống cho đến thân, toàn bộ nhân lực trong nhà đều được huy động để tham gia hái vải.
Từ 3h sáng, chị đã lục tục trở dậy. Chồng chị và ba người con có nhiệm vụ kéo điện ra từng gốc vải dự định hái, chị Thơm lo cơm nước ăn sáng cho cả gia đình.
Nếu hái nhanh, năm lao động có thể hái hết ba, bốn cây vải một sáng. Hái xuống dưới đất, lại nhanh tay túm lại bó thành bó, xếp vào sọt mang ra các điểm cân.
Vải từ vườn ra đến điểm thu mua, người trồng vải bị “rơi vãi” đi rất nhiều.
Bốn cây vải có thể cho thu hoạch từ hai đến ba sọt, mỗi sọt nặng trên dưới một tạ. Với mức giá dao động trên dưới 10 đồng/kg, một buổi sáng, gia đình chị Thơm thu được chừng hai triệu đồng.
Cái khó của người trồng vải đất Lục Ngạn, đó là vải chín rộ vụ, chín đồng loạt cùng một lúc không đợi người hái. Những cây vải chín sớm đầu mùa, bán được giá chỉ chiếm một phần rất nhỏ, nên người trồng vải phải nhanh tay bán vải đầu vụ.
“Giục nó chín không được, nhưng khi nó đã chín, nó lại rộ lên như mưa rào, trở tay không kịp. Để kịp thu hoạch, nhà nào cũng phải thuê người mượn thợ” – chị Thơm cho biết.
“Trở tay” với trời đã khó, một cái khó khác mà người Lục Ngạn cũng “phải tính”, đó là “chạy đua” với cả người thu mua vải.
“Vải trẩy buổi sáng, mang ra các điểm thu mua kịp giờ cân từ sáng đến trước 9h sẽ được giá hơn. Nếu để sang trưa hoặc quá chiều, vải héo, mất mã, thương lái sẽ ép giá. Một sọt vải chỉ cần mất đi từ một đến hai giá, là đã bị thiệt một hai trăm ngàn. Vì thế, nhà nào cũng phải dậy sớm, và cùng ùa ra đường, nhanh chân chở vải đến các điểm thu mua”.
Vải chín đỏ đồi ở khắp các xã của Lục Ngạn, Bắc Giang.
Năm nay, vải Lục Ngạn được mùa. Mỗi một gốc vải đều nhỉnh hơn năm ngoái vài ba chục kg. Thế nhưng, được mùa thì lại mất giá.
Theo ước lượng của chị Thơm, gần trăm gốc vải, năm 2013 gia đình chị bán được gần 200 triệu đồng. Năm nay, giá vải thấp hơn năm ngoái, nên dù được mùa, thu nhập từ vải của chị Thơm nhiều khả năng sẽ giảm đi gần một nửa.
Hàng xóm của chị Thơm, anh Nguyễn Văn Quý có gần hai mẫu đất trồng vải. Nhà neo người, thiếu nhân công, anh Quý phải thuê thêm người để thu hoạch vải.
Một công hái vải từ 130 – 140 ngàn đồng/người, cộng với cả cơm nuôi, chỗ ở. Năng suất hái bốn người trong một ngày được khoảng chục cây, nhưng không phải hái cả ngày được, chỉ tranh thủ vào giờ sáng sớm vì liên quan đến người mua vải.
“Tính nhanh, hai cây vải cho thu hoạch trên một tạ, bán đi được trên dưới một triệu. Trừ tiền nhân công thuê người hái vải, một ngày chi phí hơn 500 ngàn đồng. Trừ hết tiền phân bón, thuốc sâu, ngày công đầu tư chăm sóc, mỗi nhà cũng chỉ giữ được 1/3 số tiền thu được” – anh Quý tâm sự.
Với những cây vải chín không kịp thu hoạch, chỉ quá vài ngày, quả chín quá sẽ rụng cuống, nứt vỏ, bị nấm mốc lan nhanh sang cả chum, cả cây.
“Trăm cái khó mà người trồng vải phải tính, đó là chưa nói đến cái bấp bênh về giá cả thị trường – một điều mà người trồng vải năm nào vào vụ cũng lo ngay ngáy như người đi đánh bạc” – anh Quý trò chuyện.
“Chỉ có thương lái là giàu!”
Với người dân đất Lục Ngạn, từ lâu, họ đã mang ơn cây vải, mang ơn mảnh đất gắn bó với họ truyền đời, nuôi nấng loài cây để với họ, nó đã thành thương hiệu.
Những hình ảnh không hiếm gặp ở Bắc Giang trong mùa vải rộ.
Loài cây ấy, nó là miếng cơm manh áo, là nguồn thu để nuôi sống cả gia đình. Từ cây vải, cùng với sự chăm chỉ, mồ hôi công sức đổ xuống, họ đổi cho mình từ nhà rạ sang nhà ngói; từ những con đường đất gan gà trầy truội, trơn trượt thành đường bê – tong…
Nhưng, không phải cứ trồng cây là được đợi đến ngày hái quả. Bấp bênh của thời tiết, của giá cả thị trường thu mua… khiến người trồng vải chẳng lúc nào thảnh thơi.
Anh Nguyễn Văn Mạnh, xã Quý Sơn từ đầu vụ đến nay gần một tháng, ngày nào cũng làm bạn với chiếc xe máy và… chiếc sọt đựng vải.
Mùa vải, việc phân công lao động chuyên nghiệp đến mức khó tin: người lớn dậy từ ba giờ sáng để hái vải; trẻ con lo chuyện nhặt vải thành bó, lo phụ cơm nước cho bố mẹ.
Anh Mạnh là lao động chính, có trách nhiệm chở vải mang đi bán.
Chị Nguyễn Thị Thơm (xã Phượng Sơn) xót xa vì những quả vải bị rụng cuống, nếu bán theo giá thu mua vải rụng, chỉ được 4 – 5.000 đồng/kg.
Nhưng, một sọt vải đổi được thành tiền mặt, cầm trong túi cũng lắm đoạn trường.
“Một ngày tôi chạy đến cả trăm cây số. Sọt vải hái xuống, phải tranh thủ chở đến những điểm thu mua, rồi cứ nhong nhong trên xe như thế, vựa vải nào trả giá cao hơn mới hạ xuống bán”.
Với người trồng vải, chênh lệch chỉ nửa giá cũng liên quan đến tiền trăm. Đó là chưa nói đến mánh lới của những tư thương gian xảo.
“Nếu mình không để ý, hoặc xuề xòa sẽ bị bắt nạt. Họ sẽ cân điêu cho mình một sọt cả chục cân. Chưa hết, ngay như việc dỡ chùm, bó từ sọt ra để cân, họ cũng có tiểu xảo để người bán vải thiệt thòi.
Túm vải bó chặt, nhưng họ không rút ngang mà cứ mạnh tay nhấc thẳng, mỗi túm vải rụng cả chục quả, cứ thế nhân lên, đã hao hụt cả chục kg.
Vải rụng ấy, người bán nào mất công mang về, họ lại xin mình. Nếu ai không cho, tích lại đem bán thành vải rụng, giá chỉ được 4 – 5.000 đồng/kg” – anh Mạnh nói.
Một điểm thu mua trong một mùa vải ước tính cả trăm tấn. Một ngày họ cân hàng trăm mã cân, mỗi mã chỉ cần “ăn bớt” vài kg họ đã lời ra được cả tấn vải.
Quy ra tiền, nó là cả chục triệu đồng. Thế nên, chỉ có người buôn vải là giàu, chứ người trồng vải, chỉ lấy công làm lãi…
Toàn Lục Ngạn có trên 18.000ha trồng vải, trong đó những vùng vải tập trung như Phượng Sơn, Phì Điền, Hồng Giang, Giáp Sơn, Đồng Cốc, Tân Mộc, Quý Sơn…
Trong kế hoạch phát triển của cây vải, UBND tỉnh Bắc Giang, UBND huyện Lục Ngạn đang đề ra phương án mở rộng thị trường, xuất khẩu sang các thị trường khác ngoài Trung Quốc để chủ động về giá cả.
Mùa vải năm 2013, Trung Quốc thu mua hơn 44.000 tấn vải, chiếm gần 50% tổng sản lượng vải của Lục Ngạn. Khối lượng xuất sang các nước khác như Campuchia, Lào, Australia… là 1.500 tấn – một con số rất nhỏ.
“Bắc Giang đang tìm các đối tác nước ngoài khác để mở rộng thị trường. Đó là điều tiên quyết để người trồng vải tự chủ được về giá, không bị lệ thuộc giá vào các thương lái Trung Quốc” – Trưởng phòng Kinh tế Hạ tầng huyện Lục Ngạn, ông Nguyễn Mạnh Hà cho biết.
(Tin Sốc hay nhất tại Ditnhau18.com)