Dưới đây là đoạn ký của một tác giả phương Tây giấu tên về nghề ăn xin ở các nước châu Á, đã được hãng CNN đăng lại dù không đứng ra bảo đảm thông tin. Nó nói rằng một mạng lưới “mafia ăn xin” là có tồn tại, và tàn khốc hơn cả phim “Triệu phú khu ổ chuột”.
“Tại một góc tường bẩn thỉu gần ga tàu điện ngầm, có một người đàn bà ăn xin. Mái đầu rối bù và lem luốc khiến người qua đường không thể đoán được cô ta đã bao nhiêu tuổi. Người đàn bà lặng lẽ ngồi cúi khuôn mặt buồn thảm xuống nền gạch đen đúa, bên cạnh là một chiếc túi đựng những đồng tiền lẻ xin được của người đi đường. Trên tay cô bế một đứa bé khoảng hai tuổi. Dù chỉ được bọc bằng bộ quần áo cũ kỹ, bẩn thỉu nhưng đứa trẻ vẫn say sưa ngủ ngon lành.
Chắc hẳn khi thấy cảnh này, sẽ có rất nhiều người cảm động và sẵn lòng chia sẻ cho những người như vậy một manh áo ấm hay những đồng xu cuối cùng trong túi mình mà không mảy may nghĩ đến chuyện gì khác. Với họ, giúp đỡ người khác như thể đã làm được một điều tốt.Nhưng tôi đã đi qua người đàn bà đó mà không cho một đồng tiền lẻ nào vì tôi biết, đằng sau họ là cả một băng nhóm có tổ chức, nơi người ăn xin sẽ phải nộp tiền cho kẻ cầm đầu. Có thể bạn không tin, nhưng những kẻ này thậm chí còn sở hữu cả xe hơi đắt tiền và biệt thự xa hoa. Và tất nhiên, kẻ làm công – những người ăn xin ta thấy trên đường cũng sẽ nhận được một phần thù lao cho công sức của mình. Nhưng sau một tháng trời quan sát, có một điều khiến tôi bị sốc…
Dù vẫn là người ăn xin ngồi ở góc đường đông người qua lại đó, vẫn là đứa trẻ được bế trên tay với bộ quần áo bẩn thỉu đó, nhưng dường như có điều gì không đúng ở đây. Tôi đã quan sát cả ngày, từ sáng đến tối, và điều khiến tôi thấy sốc là đứa bé lúc nào cũng ngủ li bì trên tay “mẹ” nó. Thậm chí không có lúc nào nó cựa quậy hay kêu khóc mà chỉ vùi mặt vào lòng người bế nó trên tay mà ngủ.Nếu bạn có con, hẳn bạn cũng biết những đứa nhỏ, dù có mới sinh ra cũng không thể nằm ngủ suốt ngày. Còn những em bé trong độ tuổi 1, 2, 3 cũng chỉ có thể ngủ hai đến ba tiếng là nhiều nhất. Nhưng trong cả tháng trời đi qua nơi này, tôi chưa bao giờ thấy đứa trẻ có lúc nào tỉnh giấc.
Tôi cũng từng đến gần quan sát cậu trai bé nhỏ đó say sưa ngủ và hỏi người ăn xin: “Tại sao nó lúc nào cũng ngủ thế?” Người đàn bà không nói gì, chỉ lặng lẽ cúi gằm mặt xuống làm bộ như không nghe thấy câu hỏi của tôi. Tôi lặp lại câu hỏi một lần nữa. Chị ta ngẩng đầu lên rồi như nhìn vào cái gì đó ở sau lưng tôi. Cái nhìn của người đàn bà như thể ánh mắt của một sinh vật lạ đang trong tình trạng bị kích động hoàn toàn. Kèm theo ánh mắt đó là một câu chửi thề lầm bầm trong miệng.
Thái độ của người đàn bà khiến tôi gần như hét lên khi lặp lại câu hỏi của mình: “Sao nó lại ngủ?!”. Một bàn tay đặt lên vai tôi. Tôi quay người lại, đó là một người đàn ông tỏ vẻ không bằng lòng. “Anh muốn gì ở cô ấy? Anh không thấy cô ấy đang phải vật lộn với cuộc sống khó khăn như thế nào à?”,người đàn ông nói. Sau đó, ông ta lấy ra trong túi mình mấy đồng tiền lẻ rồi thả vào chiếc túi ăn xin. Người đàn bà ngẩng mặt lên tỏ ý biết ơn với dáng điệu sầu khổ. Sau khi đã “làm phước”, người đàn ông tiếp tục bước đi đến trạm ga. Tôi cá rằng khi về đến nhà, thể nào ông ta cũng sẽ kể cho người thân rằng mình đã gặp một kẻ vô tâm đến thế nào ở ga tàu ngầm.Ngày hôm sau, tôi gọi cho một người bạn. Nhờ có anh mà tôi mới biết được những đứa trẻ mà những người ăn xin bế trên tay để làm động lòng thương cảm của đồng loại thường là được” thuê” từ những gia đình có cha mẹ suốt ngày say xỉn, thậm chí, có nhiều đứa trẻ còn bị đánh cắp. Và nhờ có người bạn đó mà thắc mắc tôi hỏi người đàn bà ăn xin đã được giải đáp. Dù anh trả lời bằng một giọng bình thản, nhưng câu nói đó khiến tôi không khỏi kinh ngạc: “ Chúng hoặc là phê ma túy, hoặc là đã say rượu rồi…”
Tôi choáng váng hỏi lại: “Ai phê ma túy? Ai say rượu cơ?“.
Anh bạn đáp lại: “Đứa trẻ. Vì thế nó không kêu khóc được. Người đàn bà ăn xin sẽ ngồi cả ngày ở góc tường đó với nó, thử tưởng tượng mà xem nó sẽ thấy chán như thế nào? Vì thế để đứa bé ngủ cả ngày, họ đã bắt nó phải uống rượu hoặc tiêm ma túy. Tất nhiên, cơ thể của một đứa trẻ không thể chịu nổi việc bị sốc thuốc, và chúng thường sẽ chết. Điều tồi tệ nhất là có lúc chúng chết khi đang “làm việc”. Và “bà mẹ” sẽ phải thay nó bằng đứa trẻ khác rồi ôm cho đến tối. Đây là luật rồi. Người đi đường sẽ vẫn cho tiền và cứ nghĩ làm như vậy là đạo đức lắm. Nhưng thực ra, họ chỉ đang giúp đỡ “bà mẹ” mà thôi.”
Ngày hôm sau, tôi quay trở lại ga tàu, chìa thẻ phóng viên ra và muốn nói chuyện nghiêm túc. Nhưng mọi việc không như tôi mong đợi. Tôi gặp lại người ăn xin hôm trước, hỏi về giấy khai sinh của đứa bé, và điều quan trọng hơn, đứa trẻ hôm qua cô ta bế đang ở đâu, nhưng vẫn chỉ nhận được cái phớt lờ của người đàn bà.
Tuy vậy, câu hỏi của tôi lại khiến cho nhiều người đi đường chú ý. Họ mắng tôi rằng tôi mất trí rồi mới đi hét vào mặt người ăn xin và đứa trẻ tội nghiệp như thế. Và tôi đã bị tống ra khỏi ga tàu cùng những lời sỉ nhục của mọi người. Chỉ còn một điều cuối cùng tôi có thể làm, đó là thông báo cho cảnh sát. Nhưng khi cảnh sát đến, cả người đàn bà và đứa trẻ đều biến mất…
Vì vậy, khi trông thấy những người ăn xin bế một đứa trẻ trên tay ở bất cứ nơi nào, hãy suy xét cho cẩn thận trước khi bạn vét những đồng xu lẻ trong túi mình. Hãy nghĩ về điều này: nếu không phải vì lòng thương hại của hàng nghìn người, nghề ăn xin đã không thể tồn tại. Nếu ăn xin không còn tồn tại, sẽ không còn đứa trẻ sơ sinh nào phải chết vì sốc thuốc hay rượu nữa.
Vì khi bạn đã đọc được bài viết này, bạn đã biết vì sao những đứa trẻ trên tay người ăn xin luôn luôn ngủ.