VN88 VN88

Nghĩa tào khang của đôi vợ chồng nông dân nghèo

Nghia tao khang cua doi vo chong nong dan ngheo

Gần ba năm nay, ngày nào cũng như ngày nào, cứ tầm 8 giờ 30 sáng là anh Nguyễn Văn Xê lại đẩy xe đưa người vợ bị tai biến của mình đi uống cà phê. Loan, cô chủ quán cà phê ngay trước Đoàn nghệ thuật dân gian Chăm Ninh Thuận, nói: “Chỉ trừ những ngày mưa to quá thì ổng mới ở nhà chứ mưa nhỏ nhỏ ổng cũng che dù đưa bả ra uống cà phê”.

“Bả” là chị Tuyết, vợ anh Xê. Hai vợ chồng họ lấy nhau 40 năm rồi. Người con trai đầu lòng nay đã 37 tuổi. Cách đây gần ba năm, sau buổi chợ về, chị bỗng nhiên bị đột quỵ, liệt hết nửa người, chạy chữa không biết bao nhiêu tiền mà vẫn không bớt.

“Sau mỗi buổi làm đồng, anh nông dân lại về hết lòng chăm sóc người vợ bị tai biến, vệ sinh ăn uống cho vợ một tay anh lo. Ngày nào anh cũng đưa vợ đi dạo, đến quán cà phê ngắm cảnh cho khuây khỏa.”

Anh Xê đành đưa vợ về nhà cho uống thuốc Nam. Từ đó đến nay, một tay anh chăm sóc cho vợ tất tần tật, từ cho ăn uống, tắm rửa, vệ sinh, đưa đi chơi… “Gần 40 năm sống với nhau nên tui hiểu tính ý của bả, mặc dù lúc này bả không nói được nhưng chỉ cần bả đưa mắt nhìn là tui biết bả muốn gì rồi. Với lại con tui toàn con trai, chuyện vệ sinh tắm rửa cho mẹ nó nhiều khi cũng không tiện”. Anh Xê nói như thế sau khi nghe tôi hỏi sao không để con chăm sóc vợ cho bớt cực.

Một ngày của anh Xê bắt đầu vào lúc 5 giờ sáng. Thức dậy, chạy vội qua rẫy nho gần nhà phun thuốc cho nho xong rồi trở về nhà lo vệ sinh cho vợ, đẩy xe đưa vợ đi ăn sáng rồi lại đưa vợ ra quán cà phê ngồi mà theo lời anh thì “để cho vợ khuây khỏa chứ bắt bả nằm một chỗ hoài bả cũng bực bội.” Buổi chiều, sau khi đẩy vợ đi ăn xế xong, anh đưa vợ xuống quảng trường 16-4 chơi đến tối mới đưa vợ về nhà cho ăn uống, tắm rửa. Từ ngày vợ ngã bệnh, mọi công việc hái ra tiền trước kia anh Xê đều gác lại hết, kiếm miếng rẫy gần nhà trồng hơn trăm gốc nho để tiện bề chăm sóc cho vợ.

Tình cảm của vợ chồng anh Xê làm ấm lòng người dân khu phố 3, phường Mỹ Hương, TP Phan Rang-Tháp Chàm. Ai cũng bảo là chị Tuyết có phước vì có được một người chồng yêu thương, chăm sóc tận tình, chu đáo. “Hồi trước mỗi ngày hai vợ chồng tui cũng kiếm vài ba trăm ngàn đồng. Nhưng có tiền nhiều mà chi trong khi để vợ mình nằm hoài một chỗ. Vì vậy nên tui bỏ hết, đi làm rẫy để có nhiều thời gian lo cho bả”.

Tôi hỏi anh Xê có khi nào anh thấy mệt mỏi vì phải chăm sóc vợ không. Anh cười hiền: “Con chăm cha không bằng bà chăm ông. Nói thiệt với anh chứ con cái gì cũng không thể lo cho cha, cho mẹ chu đáo như chồng như vợ được. Vì bên cạnh tình nghĩa vợ chồng suốt mấy chục năm thì với tôi đó còn là bổn phận và trách nhiệm nữa. Hơn lúc nào hết, chính lúc này sự có mặt của tui bên cạnh bả còn hiệu nghiệm hơn bất kỳ liều thuốc nào”. Mặc dù lúc này chị Tuyết không nói được nhưng ánh mắt trìu mến nhìn chồng khi anh đang dùng miếng khăn giấy chùi những vệt sữa dính trên khóe miệng của chị, tôi mới hiểu rằng: Tình nghĩa tào khang là như thế này đây.

(Vợ chồng)

VN88