Phiên tòa xét xử băng giang hồ chặt tay cướp xe SH đã khép lại với bản án tử hình cho người cầm đầu, một mức án hiếm có cho tội danh Cướp tài sản.
Trong 2 ngày 24 – 25/12, TAND TP.HCM đã đưa vụ án băng cướp chặt tay cô gái cướp xe SH gây xôn xao dư luận cuối năm 2012 ra xét xử. Theo bản cáo trạng Viện KSND TP.HCM truy tố, cần tiều tiêu xài các bị cáo Hồ Duy Trúc (SN 1993), Nguyễn Hoàng Phương (SN 1993), Trần Thanh Tuyền (SN 1991, cùng ngụ Ninh Thuận), Trần Văn Luông (SN 1988, ngụ Bến Tre) và Huỳnh Thanh Sơn (SN 1982, ngụ Tây Ninh) rủ nhau thành lập băng cướp.
Các bị cáo trước vành móng ngựa
Thủ đoạn của chúng là ban ngày tụ tập nhậu nhẹt, sử dụng ma túy. Đêm xuống, băng nhóm đi xe máy cầm theo dao, mã tấu chạy lòng vòng trên nhiều tuyến đường tìm “con mồi” cướp tài sản.
Từ tháng 6 đến tháng 11/2012, băng này đã gây ra 18 vụ cướp trên địa bàn TP.HCM, chém bị thương 12 người, trong đó người bị thương tật nhẹ nhất là 2%, nặng nhất là 47%.
Điều khiến nhiều người thắc mắc trong vụ án này là có nhiều nạn nhân bị chém trọng thương, có người bị nguy hiểm tới tính mạng, nhưng các thành viên trong băng cướp chỉ bị truy tố về tội Cướp tài sản mà không bị truy tố thêm tội danh khác như Giết người hay Cố ý gây thương tích.
Lý giải về vấn đề này, Luật sư Trương Quang Hiệp (thuộc Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết: “Việc chém nạn nhân bị thương chỉ để phục vụ cho mục đích duy nhất là cướp, vì thế Viện KSDN truy tố các bị cáo ở tội cướp tài sản là có cơ sở. Nhưng trong quá trình lượng hình, HĐXX sẽ xem xét toàn bộ hành vi phạm tội để đưa ra mức hình phạt tương xứng”.
Trong vụ án này, Trúc và Luông là người cầm đầu bị truy tố ở khoản 4, điều 133 Bộ luật Hình sự. Theo đó, hành vi cướp tài sản nhưng gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc làm chết người; chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên; gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị xử phạt từ 18 – 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
Vì sao có án tử hình trong tội cướp tài sản?
Hành vi phạm tội của Trúc và đồng bọn gây tổn hại sức khỏe cao nhất cho người bị hại là 47% và không làm chết người. Nhưng kết thúc phiên tòa, TAND TP.HCM đã tuyên phạt bị cáo này án tử hình – mức án hiếm có cho tội Cướp tài sản.
Trúc lãnh án tử hình cho tội ác mà mình đã gây ra.
Theo Luật sư Hiệp có 3 lý do chính dẫn đến án tử dành cho Trúc: “Anh ta là người chủ mưu, ngoài việc trực tiếp ra tay thì Trúc còn chỉ đạo đồng bọn gây ra hàng loạt vụ cướp không chỉ ở TP.HCM mà còn ở Ninh Thuận.
Thứ hai là hầu hết các vụ cướp, Trúc và đồng bọn đều dùng thủ đoạn tàn bạo, mất hết tính người khi sử dụng dao, mã tấu là loại hung khí nguy hiểm chém vào các vùng trọng yếu trên cơ thể như cổ, vai, lưng,… của nạn nhân để cướp tài sản. Việc làm này rất nguy hiểm tới tính mạng của người bị hại, nhất là trong khi họ đang lưu thông trên đường. Hành vi phạm tội của Trúc và đồng phạm là đặc biệt nguy hiểm, gây hậu quả nghiêm trọng, đe dọa trực tiếp tới tính mạng, sức khỏe, tính mạng của người khác và gây hoang mang trong dư luận, ảnh hưởng xấu tới trật tự xã hội.
“Thứ ba là trong thời gian gần đây trên địa bàn cả nước xảy ra rất nhiều vụ cướp với thủ đoạn ngày càng tinh vi, tàn bạo. Bản án tử hình với Trúc ngoài việc trừng trị thích đáng tội ác mà bị cáo này đã gây ra còn nhằm răn đe, phòng ngừa, trấn áp tội phạm nói chung và tội phạm cướp tài sản nói riêng”.
Luật sư Hiệp cho biết thêm: “Trong quá trình nghị án, HĐXX đã xem xét toàn bộ hành vi phạm tội và các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ của từng bị cáo để đưa ra mức hình phạt hợp lý, đúng người, đúng tội. Hơn nữa, Trúc thuộc trường hợp án chồng án khi bị cáo này đang phải thi hành tới 3 bản án khác nhau cùng về tội Cướp tài sản (5 năm tù do TAND TP.Phan Rang – Tháp Chàm tuyên vào tháng 7 và 7 năm tù do TAND tỉnh Ninh Thuận tuyên vào tháng 11). Vì thế nếu Trúc có làm đơn kháng cáo thì cơ hội thoát án tử của bị cáo gần như không có”.