Có những chuyện, nhất định phải trả giá. Vì nếu không có nỗi đau này, thì sẽ sản sinh ra biết bao nhiêu nỗi đau khác, của những bà mẹ khác mà con của họ xứng đáng được bảo vệ, được vô sự hơn gấp trăm ngàn lần?
Sáng 24/12, TAND TPHCM mở phiên xử sơ thẩm các bị cáo trong băng cướp khét tiếng. Đỉnh điểm là vụ chặt tay cô gái, cướp xe SH làm chấn động dư luận về sự tàn bạo cuối năm 2012.
Ngày 25/12/2013, với tội ác nghiêm trọng, TAND TP.HCM đã tuyên phạt Trúc – người cầm đầu băng cướp – mức án cao nhất là tử hình. Bản án vừa tuyên, người mẹ già ngã vật xuống đất khóc nức nở và liên tục gọi tên con. Cả gia đình bị cáo chửi bới các bị hại, rượt đánh luật sư, đe dọa thẩm phán. Mẹ bị cáo Trúc sau khi nghe con bị tử hình đã la hét và chửi các nạn nhân “Tao biết con tao bị tử hình thì tao chuẩn bị dao giết con Thúy (nạn nhân bị chặt tay, cướp SH – PV) tại tòa”.
Sự việc này đã làm dấy lên những quan điểm tranh luận của nhiều cộng đồng mạng trong suốt hai ngày qua. Liệu án tử hình đối với bị cáo Trúc là quá nặng hay hợp tình hợp lý? Và hành động của mẹ bị cáo đáng thương hay đáng trách?
Giữa những luồng ý kiến tranh cãi đa chiều và chưa có hồi kết, một facebooker có nickname Trần Thăng Long đã nêu ý kiến của mình về sự việc này trên facebook cá nhân.
—-
Tôi không phải là người vô cảm, mà ngược lại, rất nhạy cảm và rất dễ bị nương theo cảm xúc của người khác, hoàn cảnh của người khác; dù đó có khi chỉ là một nhân vật, một tình huống mình tưởng tượng ra thôi.
Nếu hỏi tôi, người mẹ này có đáng thương hay không? Tôi sẽ nói là có. Nhưng đáng thương, không có nghĩa là đáng bênh vực.
Tôi hoàn toàn không thể đồng tình với những ý kiến bênh vực bà mẹ này!
Rất nhiều người, mang tình mẫu tử thiêng liêng, mang sự bảo vệ con vô điều kiện của một người mẹ ra mà bênh vực cho bà mẹ này. Nhưng theo tôi, một người mẹ, không bao giờ được quên mình cũng là một CON NGƯỜI. Đừng đặt tình cảm mẹ con của mình lên trên hết, đạp đi hết những đúng sai, trái phải, lương tri của một con người.
Có thể tha thiết, có thể gào khóc, có thể tuyệt vọng, có thể nông nổi. Nhưng cái gì cũng có giới hạn. Đòi giết nạn nhân là một chuyện đi quá xa khỏi đạo đức của một con người, và nó bộc lộ rõ ràng một sự vô lương tri đến kinh khủng khiếp.
Chỉ có con của cô ấy là có mẹ thôi à? Chỉ có mình cô ấy, là làm mẹ, là biết đau xót cho con của mình thôi à?
Thế con gái của người ta, chẳng làm hại gì đến ai, bỗng một ngày đi ra đường, bị người ta chặt tay, bị thương tật đến nhường ấy, vĩnh viễn không còn như trước, nỗi đau ấy, có biết không? Rồi một bà mẹ khác, con mình bị cướp chặt tay, ngã xe chết, nỗi đau ấy, có biết không?
Có những chuyện, nhất định phải trả giá. Vì nếu không có nỗi đau này, thì sẽ sản sinh ra biết bao nhiêu nỗi đau khác, của những bà mẹ khác mà con của họ xứng đáng được bảo vệ, được vô sự hơn gấp trăm ngàn lần?
Một người mẹ, bảo vệ cho con tốt nhất là giúp nó lương thiện, nên người. Không thể nào tạo nên một con quái vật và rồi ra sức bảo vệ nó, vì nó là quái vật mình cũng sẽ là quái vật theo nó.
Và trên hết, để có những đứa con đi giết người, cướp của, tạo ra biết bao nhiêu nỗi đau thế này, bản án nào dành cho những người mẹ? Khi chính họ tạo ra chúng, nuôi dưỡng chúng và để chúng tạo ra nỗi đau cho biết bao nhiêu bà mẹ khác?
Nỗi đau này là rất lớn. Nhưng nó là cần thiết, để nhắc nhở những bà mẹ thương con rồi hãy thương con đúng cách, và đúng lúc. Đừng đẩy tình thương của mình đến chỗ tuyệt vọng và cùng quẫn. Chỉ là cái giá tất yếu phải trả. Xin đừng bênh vực một cách buồn cười và ngớ ngẩn như vậy.
Đã là quỷ dữ, thì không thể vì quỷ dữ thương con mà chúng ta bênh vực hay lên án chuyện chống lại chúng.”