15 năm, chị Phương bị bọn buôn người bán qua tay hết người này đến người khác. Chị kể, có những cuộc “cò kè”, trao đổi “vợ” diễn ra trong nhà nhưng cũng có những cuộc trao đổi diễn ra trên xe và thậm chí diễn ra ngay trong khu rừng hoang vắng.
Cuộc sống của chị không khác gì địa ngục trần gian. Chị không biết mình đang ở đâu, không có tiền, không một người thân quen, bất đồng ngôn ngữ khiến chị đành ngậm ngùi chịu kiếp “vợ mua” xứ người. Chị đã định tìm đến cái chết để tự giải thoát. Nhưng rồi nghĩ mẹ già không ai chăm sóc, chị lại gắng gượng sống và nuôi quyết tâm trở về quê hương.
15 năm 3 đời “chồng”
Làm dâu xứ người, cuộc sống của chị Phương vô cùng khó khăn vì bất đồng ngôn ngữ. Ba đời “chồng”, gọi là chồng nhưng chị về sống với 3 người đàn ông nhưng không hề có giấy đăng ký kết hôn. Dù sống trong gia đình nào, họ cũng canh giữ chị giống như một tù nhân. Mỗi cuộc giao kèo, chị không biết mình có giá bao nhiêu nhưng người đầu tiên mua chị với số tiền cao nhất, hai người chồng sau mua chị như một món hàng bị mất giá.
Đớn đau kiếp vợ mua qua tay 3 đời chồng
Đầu tiên, chị Phương bị bán cho một ông chồng già. Khi về ở cùng, ngoài gã “chồng” này còn có mẹ già và một em trai. Họ nói chuyện với chị bằng hành động nhiều hơn là lời nói vì có nói, chị cũng chẳng hiểu gì. Họ chỉ cho chị cách làm ăn, chị cứ sống lầm lũi như một cỗ máy nhưng cũng có tình cảm của riêng mình. “Tôi nhờ một người Việt Nam nói với gia đình ấy, người tôi thích là người em, không phải người anh nhưng họ bảo không được vì anh trai chưa có vợ thì em trai cũng không được lấy”. Từ đây chị bắt đầu chán nản và quyết tâm bỏ trốn. Vì không hiểu tiếng, không biết đường cũng chẳng có tiền nên cuối cùng, chị bị bắt trở lại.
Suốt 1 năm làm dâu, chị dần am tường địa hình và được nhà chồng tin tưởng giao đi chợ mua đồ ăn. Kể từ đó, chị cố bớt xén số tiền đi chợ để tích cóp mong sẽ có ngày trốn thoát về quê. Tích góp dần, sau gần 3 tháng chị đã giấu được một khoản tiền đủ để chạy trốn. Một hôm được giao cho đi chợ từ sáng sớm, nhân lúc người nhà chồng không để ý, chị đã chạy một mạch băng qua nhiều ngọn đồi, khe suối. Chị cứ chạy như thế nhiều ngày liền, mỗi lúc mệt mỏi chỉ dám dừng lại uống chút nước, ăn tạm miếng bánh rồi lại lên đường vì sợ người nhà chồng đuổi theo bắt về. Gặp được một người Việt Nam lấy chồng trong làng, chị Phương lại cầu cứu để bỏ trốn. Nhưng bất hạnh thay, người đó lại là một mụ buôn người khét tiếng trong vùng.
Với lời lẽ ngọt nhạt, mụ hứa sẽ “mang xe ô tô đến, cho tôi tiền và dẫn đi lấy một người chồng trẻ” nên chị Phương đã đồng ý. Dù chưa biết cuộc sống trước mắt ra sao nhưng ít nhất chị mong trốn được khỏi nơi này. Nhưng rồi, người phụ nữ buôn người kia lại bán chị vào nhà một người Trung Quốc mất vợ. Cuộc giao dịch lần này diễn ra ngay trên chiếc xe tải chở chị Phương trốn chạy. Nhớ lại người chồng thứ hai, chị Phương kể: “Đêm đầu tiên, tôi không dám ngủ, sợ hãi thu mình một góc giường. Người đàn ông xuống cuối giường, tôi lại chạy lên đầu giường. Cứ như vậy đến sáng. Thế rồi, tôi đã bị người đàn ông đó đánh cho nhừ tử vì tội không biết “chiều chồng”. Chỉ vài ngày sau, gã đàn ông đó đã trả chị lại cho mụ buôn người.
Lần ngã giá cuối cùng, mua chị là người chồng bây giờ mà theo chị là người tốt bụng nhất. Mặc dù không có thủ tục cưới xin nhưng họ đã sống với nhau hơn 10 năm, có hai đứa con, một trai, một gái. Thời gian đầu, chị bị giám sát rất kỹ kể cả khi đi chăn trâu, cắt cỏ, kiếm củi vì họ sợ chị bỏ trốn. “Vì không biết tiếng, tôi đành cam chịu làm thân tôi đòi. Ngày nào tôi cũng phải dậy từ 3h sáng nấu cơm ăn rồi đi trồng mía, trưa về cơm nước rồi lại đi làm, tối về nhà lại phục vụ bố mẹ và anh chị nhà chồng, đến 12h đêm mới được đi ngủ”. Đến ngày chị Phương mang bầu đứa con gái, nhà chồng đã để chị được tự do thoải mái hơn. Hai đứa con một gái, một trai lần lượt ra đời, khiến chị Phương phải ý định bỏ trốn khỏi nhà chồng. Thế nhưng, nỗi nhớ nhà, nhớ mẹ thì vẫn luôn cháy bỏng.
Nỗi ám ảnh quá khứ tủi nhục
Bà Nguyễn Thị Vân, Tổ trưởng dân phố nơi chị Phương sinh sống cho biết: “Chị Phương là người có hoàn cảnh đặc biệt, không những vậy chị còn là nạn nhân của một vụ buôn bán người sang Trung Quốc. Tôi đã xác nhận cho Phương đúng là người trên địa bàn trước đây nhưng việc nhập hộ khẩu hiện còn vướng mắc. Không có hộ khẩu, Phương không thể làm thủ tục để quay lại Trung Quốc với hai con nhỏ”.
Qua 10 năm chung sống, người chồng thứ ba cũng thương yêu chị nhiều hơn. Tuy vậy, lần nào chị ngỏ ý muốn về nhà anh ta cũng gạt phắt đi không thì hứa hẹn năm này qua năm khác. Trước tình hình đó, chị Phương quyết định tự lên kế hoạch về nhà. Cho đến khi chị dứt khoát quyết định sẽ về quê, người chồng miễn cưỡng đồng ý nhưng lại từ chối để vợ mang con đi.
Những ngày sau đó, chị nhờ được một đồng hương, mang thư chuyển về quê để mẹ già điện thoại sang. Mười năm xa cách, nghe tiếng mẹ qua điện thoại, chị Phương bật khóc nức nở. Từ đó, chị có thêm động lực để kiếm tiền, nuôi giấc mơ một ngày nào đó sẽ được trở về. Suốt 3 năm, chị đi làm công nhân trong một công ty may mặc, số tiền dù không nhiều nhưng cũng đủ chăm lo gia đình và dành ra một phần làm lộ phí. Đến tháng 7/2013, giấc mơ hồi hương của chị Phương đã thành hiện thực. Ngày mẹ con chị đoàn tụ, cả hai khóc như mưa. Về Việt Nam, thương mẹ già bao nhiêu, chị càng căm phẫn chị họ và gã người tình bấy nhiêu. Quyết tâm vạch mặt hành vi phạm pháp của họ, chị đã viết đơn tố cáo lên cơ quan công an.
Sau khi chị Phương quay về Việt Nam, chồng chị vì thương nhớ cũng dẫn con về thăm nhà ngoại. Hiện tại, chồng và con đã quay về Trung Quốc, chỉ riêng chị bị “mắc kẹt” không thể quay về với hai con nhỏ vì vướng mắc thủ tục. Mười lăm năm lưu lạc nơi đất khách quê người, được trở về nhà niềm vui đó nhưng nỗi tủi nhục, đau khổ, cay đắng trong lòng chị không thể vơi bớt. Giờ đây, chị Phương vẫn đang sống trong nỗi lo lắng: “Không biết mọi người họ có sợ mà ghẻ lạnh, hay coi thường tôi không?. Đi đến đâu, tôi cũng bắt gặp những lời dị nghị, đàm tiếu, ánh mắt dò xét xung quanh. Tôi chỉ sợ cuộc đời mình lại đi theo một lối rẽ khác mà mình không mong muốn”, chị Phương tâm sự.
Nhắc đến nỗi tủi nhục phải chịu bên xứ người, chị Phương ôm mặt khóc. Chị bảo, hậu quả của trận hành hạ dã man là đến bây giờ chị vẫn bị chứng đau đầu và khớp chân hành hạ. Bệnh tật cộng sức ép từ cuộc sống bên ngoài đã khiến chị nhiều khi mất khả năng kiểm soát hành vi. Nhiều lần, bà con từng thấy người phụ nữ bị lừa bán năm nào… khỏa thân chạy khắp làng. Những lúc ấy, bà Lê Thị Tiến (mẹ chị Phương) lại phải đi theo dìu con về.
Tiếp chuyện chúng tôi, bà Tiến nghẹn ngào chia sẻ: “Thời gian Phương mất tích biệt tăm quả là ác mộng với tôi, tôi chỉ có mỗi nó là chỗ dựa. Đau xót, thương con đứt ruột, đứt gan nhưng tôi cũng chẳng biết phải làm sao để tìm con”. Ngày con gái mất tích, bà Tiến gần như phát điên. Bà tìm kiếm khắp nơi, hỏi người đã đưa chị Phương đi chơi nhưng họ đều lắc đầu không biết. Ngày cầm lá thư đầu tiên của con gái, bà biết thủ phạm là ai nhưng nỗi đau khổ càng nhân lên gấp bội.“Những người kia còn gọi tôi là dì mà nỡ lòng làm chuyện thương thiên hại lý như vậy. Chỉ khổ, ngày đi Phương vẫn còn tỉnh táo, hoạt bát mà bây giờ nhiều lúc nó còn không biết mình đang làm gì nữa”, bà Tiến xót xa.
Những ngày này, suy nghĩ đi sang Trung Quốc hay ở lại nhà với mẹ cũng khiến chị Phương phải khổ tâm rất nhiều. Bởi lẽ, giờ chị đã có hai đứa con bên đó, làm mẹ chị không nhẫn tâm bỏ lại con mình. “Nhất là những ngày này, các con tôi thường xuyên gọi điện sang nói nhớ mẹ. Nhưng tôi cũng không nỡ bỏ mẹ ở lại đây một mình. Mặc dù có những lúc mẹ con bất đồng quan điểm, tôi vẫn thương bà. Không thương mẹ thì tôi trở cực khổ tìm về Việt Nam để làm gì”.
(Tin Giới tính hay nhất tại Ditnhau18.com)