Đọc bài viết “Chồng gây khó dễ khi đưa tiền trợ cấp cho con” của chị Hoàng, tôi rất thấu hiểu đồng cảm với nỗi lòng của chị. Tôi cũng xót xa cho thân phận chị em phụ nữ chúng tôi, những người đau khổ sau cuộc hôn nhân tan vỡ, gặp muôn vàn khó khăn nhưng vẫn quyết giữ và bao bọc lấy đứa con của mình.
“Tháng nào anh ta đón được con thì sẽ gửi tiền vào tài khoản của tôi. Nếu không đón được con vì lý do nào đó, anh ta sẽ lờ đi và không gửi tiền.”
Tôi 30 tuổi, đã ly hôn và hiện sống một mình cùng con trai 3 tuổi. Lý do tôi ly hôn là vì những năm tháng ngắn ngủi chung sống, chồng tôi không hề yêu thương tôn trọng tôi. Anh ta chỉ yêu bản thân. Anh ta thậm chí không hề thương yêu cả con ruột của mình. Ngoại tình, đánh đập, thóa mạ vợ, hỗn láo với gia đình nhà vợ… không có gì là anh ta chưa làm. Khi ly hôn, tôi ra đi tay trắng cùng con. Sau một thời gian ngắn ở nhà bố mẹ đẻ, tôi cùng con dọn ra ngoài, thuê một căn hộ tập thể nhỏ gần trường mẫu giáo con học. Tôi không muốn làm phiền bố mẹ tôi cũng như làm ảnh hưởng đến cuộc sống của anh chị tôi khi họ đã có gia đình riêng.
Đồng lương ít ỏi của tôi không đủ để hai mẹ con sống qua ngày. Tôi tìm mọi cách đi làm thêm để kiếm tiền nuôi con. Ngoài giờ hành chính, tối tôi nhận dạy kèm hai bé học sinh tiểu học. Số tiền kiếm được không nhiều nhưng đủ để hai mẹ con tôi cải thiện thêm cuộc sống. Con trai tôi còn nhỏ nhưng đã ý thức được hoàn cảnh của mình. Cháu rất ngoan và nghe lời. Tối đến, khi tôi đi dạy kèm thì cháu ngoan ngoãn đến nhà người trông trẻ đợi mẹ về đón. Cuộc sống của tôi vậy là tạm ổn sau những tháng ngày sóng gió. Tôi đã tìm lại được cuộc sống bình yên bên con, tuy nghèo nhưng ấm áp tình yêu thương.
Về phía chồng cũ, tòa án phân xử anh ta phải cấp dưỡng cho con hàng tháng. Một tháng anh ta đón con một lần, nhưng cháu xa cách bố nên thường không theo về. Những tháng nào anh ta đón được cháu thì anh ta gửi tiền vào tài khoản của tôi. Tháng nào anh ta không đón được con vì lý do nào đó, anh ta sẽ lờ đi và không gửi tiền. Tôi chẳng bận tâm nhiều, cũng chẳng nói gì, chẳng báo tòa án hay làm bất cứ điều gì gây sức ép để anh ta phải gửi tiền.
Nếu có số tiền cấp dưỡng đó, tôi sẽ đủ tiền để đóng tiền học và mua thêm một vài bộ quần áo mới cho con. Tôi nghĩ lương tâm một người bố như anh ta thật lòng muốn lo cho con thì đã khác, còn anh ta không muốn thì chẳng ai ép buộc được nên tôi không có ý kiến gì, anh ta muốn gửi cũng được và không gửi cũng không sao. Khi tôi ly hôn, tôi vẫn nhớ mãi câu nói của một người làm bên cơ quan pháp luật: “Không nên trông chờ trách nhiệm từ một người đã không còn là chồng của mình”.
Tôi viết tâm sự này chỉ muốn gửi lời động viên đến chị Hoàng cùng tất cả chị em phụ nữ đang chịu cảnh hôn nhân tan vỡ như chúng tôi: Hãy dũng cảm lên, mạnh mẽ lên vì cuộc đời này còn nhiều niềm hy vọng. Chỉ cần mình sống tốt, không làm gì sai trái với lương tâm thì cuộc đời sẽ công bằng cho tất cả. Vì sau cơn mưa rồi trời sẽ lại sáng.
( Tâm sự)