Chiều 25.12, phiên tòa sơ thẩm của TAND TP.HCM xét xử băng cướp chuyên chém người cướp tài sản gây chấn động dư luận đã kết thúc. Hội đồng xét xử đã tuyên bản án nghiêm khắc đối với 8 bị cáo.
Thay mặt Hội đồng xét xử (HĐXX), thẩm phán Nguyễn Minh Cảnh, chủ tọa phiên tòa đã công bố bản án tử hình bị cáo Hồ Duy Trúc (tức Tuấn, 20 tuổi, ngụ Q.Tân Phú).
Bị cáo Nguyễn Văn Luông (25 tuổi, ngụ H.Bình Chánh) bị tuyên phạt tù chung thân; Nguyễn Hoàng Phương (tức Bò, 20 tuổi, ngụ Q.Tân Phú) bị tuyên phạt 20 năm tù; Huỳnh Thanh Sơn (31 tuổi, quê Bình Thuận) 18 năm tù, Trần Thanh Tuyền (22 tuổi, ngụ Q.Tân Phú) 12 năm tù. Mức án này cao hơn nhiều so với đề nghị của đại diện Viện KSND TP.HCM đối với các bị cáo trước đó. Cụ thể, đại diện Viện KSND TP.HCM đề nghị Trúc tù chung thân, Luông và Phương cùng mức án 18-20 năm tù; Tuyền 9-10 năm tù; Sơn 12-13 năm tù.
Vô cảm, mất hết tính người
HĐXX kết luận, các bị cáo Hồ Duy Trúc, Trần Văn Luông, Nguyễn Hoàng Phương, Huỳnh Thanh Sơn, Trần Thanh Tuyền bàn bạc, phân công nhau thực hiện hành vi dùng xe mô tô, dùng hung khí nguy hiểm là dao dài tấn công chém người bị hại để lấy xe trên những đoạn đường vắng vào buổi tối ở các quận huyện: 2, 12, Bình Chánh, Bình Tân, Tân Bình, Nhà Bè. Hành vi này đã xâm phạm sở hữu tài sản, sức khỏe con người, đã tạo sự bất ổn trật tự trị an xã hội, gây chấn động dư luận, làm ảnh hưởng xấu đến cuộc sống yên bình của người dân thành phố.
Chỉ trong vòng 5 tháng thực hiện 15 vụ cướp (chưa kể 2 vụ chưa xác định được bị hại), tức mỗi tháng các bị cáo thực hiện hơn 3 vụ cướp; với hung khí rất nguy hiểm, thể hiện tính chất manh động, táo tợn. Trong đó có nhiều vụ chém vào những vị trí trọng yếu như cổ, gáy… hoặc chém dã man gây thương tích đến 47%. Trong 15 vụ, có 12 vụ là các bị cáo chém bị hại, còn 3 vụ các bị cáo không chém được bị hại do bị hại bỏ chạy. Các bị cáo chiếm đoạt tài sản có giá trị rất cao, gây thương tích thiệt hại lớn về sức khỏe, tinh thần của người bị hại.
HĐXX phân tích, Hồ Duy Trúc trực tiếp chém đứt lìa cổ tay phải của chị Nguyễn Ngọc Thúy lấy xe SH và thực hiện 14 vụ khác với vai trò là người lấy xe, người cản trở bị hại, tổng giá trị tài sản chiếm đoạt là 610 triệu đồng. Trần Văn Luông thực hiện 13 vụ, chém 7 vụ, những vụ còn lại thực hiện với vai trò ép xe, cản trở, chiếm đoạt hơn 573 triệu đồng. “Như vậy, Trúc và Luông dùng vũ lực tấn công làm cho người khác lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản có trị giá trên 500 triệu đồng là phạm tội vào điểm b, khoản 4, điều 133 bộ luật Hình sự, có mức hình phạt cao nhất là tử hình”, bản án nêu rõ.
Chưa hết, Trúc còn phạm tội có tổ chức, có tính côn đồ, phạm tội nhiều lần, từng thực hiện cướp ở địa bàn tỉnh Ninh Thuận. Còn bị cáo Luông có thái độ vô cảm, hành động tàn ác đối với bị hại. Bị cáo Phương tham gia 12 vụ, trực tiếp chém trong 4 vụ và tài sản chiếm đoạt dưới 500 triệu đồng, còn Sơn dù chỉ tham gia 1 vụ cướp xe SH của chị Thúy, nhưng cũng đã phạm vào điểm c, khoản 4, điều 133 bộ luật Hình sự; Phương vì gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, cũng ở khung hình phạt cao.
Người nhà bị cáo chửi bới và đe dọa
Tại phòng xử án, khi nghe tuyên án tử hình, mặt bị cáo Trúc biến sắc. Ở phía dưới, mẹ Trúc đổ gục, gào khóc. Bên ngoài, thân nhân các bị cáo khác cũng gào khóc, thậm chí một số người quá khích đã la ó, chửi bới làm náo loạn giữa sân tòa vì cho rằng mức án tuyên quá nặng. Một số người còn xúc phạm các bị hại và ném đá về phía phòng xử án…
Đáng nói hơn, ngay cả những người bị hại không tội tình gì, vừa mất của vừa thiệt thân, từ lành lặn giờ mang thương tích, có người bàn tay thành không cử động được cũng bị người nhà bị cáo lôi ra chửi bới một cách vô lý: “Ai biểu khoe của, đi xe xịn làm chi mới bị cướp!”. Thậm chí không ít lời hăm dọa, đe dọa sẽ “xử” HĐXX và bị hại vì đã “nhớ mặt” cũng được buông ra. May mà các bị hại tiên liệu trước tình hình nên rời tòa rất sớm.
Sự căng thẳng tăng cao khiến những thành viên trong HĐXX không dám rời phòng xử án. Một vị hội thẩm phải ngồi nhờ xe của đài truyền hình rời tòa án. Công an khu vực, Cảnh sát 113 và cả Cảnh sát trật tự, dân phòng cũng được điều đến để giữ trật tự, phòng ngừa hậu quả xấu.