Thường Mân và tôi chỉ sống với nhau trong những khoảng thời gian ngắn, không quá một hai tuần, cách nhau nhiều tháng. Mân tìm đến tôi mỗi khi ở trong nước qua, hay khi nàng muốn ở cạnh một người đàn ông Việt Nam sau một thời gian ở Pháp.
Rồi một ngày nàng lại ra đi, trở về cái thế giới riêng tư của mình, ở Paris hay tận nơi quê hương. Đã có lần Mân điện thoại thức tôi dậy vào lúc 6 giờ sáng, khi nàng mới từ Hà Nội đến phi trường Roissy . Và nàng cũng có thể chia tay tôi ở giữa vườn Montsouris, cho dù là một buổi chiều đầu xuân có nắng mới . Vậy mà tôi lúc nào cũng có thì giờ cho nàng. Mỗi lần, Mân xuất hiện như một ngọn gió hay một ánh nắng lạc mùa, và biến mất như cái vô thường của mọi niềm hạnh phúc. Nàng không cho tôi biết gì về quá khứ và cuộc sống của nàng. Có lẽ nàng còn một hành trình để đi một mình, chỉ cần đây đó một vài nơi để nghỉ chân, tìm sự lắng đọng. Nàng cũng không muốn đi sâu vào cuộc đời của tôi, ngừng lại trước những im lặng tôi muốn giữ.
Cuộc trao đổi giữa Mân và tôi chỉ đứng ở hiện tại, không lục lọi quá khứ, cũng không có những dự tính cho tương lai . Nhưng trong phần tình cảm Mân dành cho tôi, nàng cho chân thật và giản dị, không đắn đo, không điều kiện, không chờ đợi được trả đáp. Mân như thế, vừa ích kỷ vừa rộng lượng. Không biết đến bao giờ người thiếu nữ này còn ở trong tôi như một sự thật không đầy đủ, làm tôi cứ để vào đó bao nhiêu tưởng tượng và ước mơ, và rạo rực thèm khát ái ân .
Mân có nhiều may mắn. Nhờ sự giàu có của gia đình Gérard, tuổi trẻ của nàng là tuổi trẻ của những cô gái lớn lên trong một môi trường không thiếu thốn, ở xã hội văn minh này . Mân không phải tranh đấu để giành một chỗ đứng trong xã hội . Nàng cũng không gặp những khó khăn hòa nhập của một người đến từ xa . Lối sống ít ràng buộc của nàng là một ưu đãi nằm ngoài tầm tay của phần đông mọi người . Nàng may mắn đến độ không có một ý thức rõ ràng về giá trị của lao đng và đồng tiền. Hồi trẻ, Mân đã tiếp nhận cái giáo dục của những gia đình tư sản lâu đời ở Pháp, trang bị cho con người một sự hiểu biết rộng về văn hóa và văn học nghệ thuật. Từ sớm, Mân đã làm quen với nhạc cổ điển, chơi dương cầm, thích Brahms, Debussy và những opéras của Rossini . Về ca nhạc, đến bây giờ nàng vẫn không thích những loại nhạc trẻ bằng những bản nhạc của Brassens, Brel và Ferrat. Nàng biết nhiều về các trường phái hội họa, hay đi xem triển lãm, và mê tranh của Klee, Miro .
Thế giới văn chương của nàng đi từ Duras đến Garcia Marquez, Kundera, rộng hơn thế giới thơ còn ngừng ở Aragon và René Char. Gérard đã giúp nàng tìm hiểu kịch của Brecht, và nàng thường theo vợ Gérard đi xem những buổi trình diễn múa hiện đại, nhất là những biên đạo của Martha Graham và Pina Baush. Không phải ngẫu nhiên mà Mân đến với ngành điện ảnh, từ lâu nàng đã sống với nghệ thuật của những Bergman, Antonioni, Tarkovski . Có lần, nghĩ về những sở thích này, tôi nói với Mân:
– Anh chưa gặp một cô Á châu nào có đầu óc và con tim Tây phương đến như Mân. Mân là một bà đầm da vàng.
– Anh sai lầm to . Có người Pháp nào như em, có thể ngồi xổm hàng giờ, thích ăn đủ loại mắm, không chê thịt chó khi có rượu đế Hưng Yên đi kèm. Em còn có thể kể cho anh biết bao nhiêu tên các loại cây cỏ và hoa dại của rừng núi Việt Nam.
Vấn đề hình như phức tạp hơn tôi tuởng. Trước khi gặp tôi, Mân không có cơ hội làm quen với những người Việt ở Pháp. Tôi đã dẫn nàng vào các giới khác nhau trong cộng đồng. Khi đó mới nhận thấy hết sự khác biệt giữa nàng và những người Việt tôi quen ở đây . Những thực tập sinh ở trong nước qua nhìn Mân như một người mất gốc. Nàng chẳng biết gì về văn hóa lịch sử Việt Nam. Nói thích văn học mà thơ Kiều không thuộc được một đoạn, ngày nay một tên tuổi như Nguyễn Huy Thiệp cũng còn chưa đọc. Đã vậy, làm nghề điện ảnh mà mù tịt về phim ảnh Việt Nam. Trong giới người di tản đến đây sau này, có người nói Mân có cái kiêu ngạo của một kẻ chưa bao giờ nếm mùi khổ cực. Cô này chơi trò phụ nữ tự giải phóng theo kiểu thiên tả bơ sữa ở bên này . Hay đi về Việt Nam chẳng qua vì thân Việt cộng. Những người ở Pháp đã lâu thì nghi ngờ Mân là một phụ nữ thích sống thác loạn.
Gia đình có vẻ giàu có lại không chịu học Dược hay Nha, đi chọn cái lãnh vực điện ảnh đầy tình dục. Không bao giờ thấy cô ta có mặt ở những sinh hoạt lớn của cộng đồng, không khéo lại thuộc về phe chính trị thù nghịch. Lớp trẻ đã Tây hóa hoàn toàn thắc mắc không hiểu Mân còn dây dưa làm gì với cái nước Việt xa lạ. Hay đó là một cách làm dáng, để cho khác người ? Nói chung, người ta không nhìn Mân với con mắt thiện cảm. Nàng cũng chẳng biết trao đổi gì với những người đồng hương này .
Có một tối, sau một bữa ăn giữa bạn bè Việt Nam của tôi, ngồi trên xe về nhà Mân nói:
– Anh Khải, lại một lần nữa, tối nay em không biết tham gia vào những câu chuyện của mọi người . Em xin lỗi anh. Em chưa quen. Lần sau em sẽ cố gắng hơn.
– Mân đừng nói vậy . Anh sẵn sàng đổi hết bạn bè của anh hôm nay lấy Mân. Tại sao mình phải ăn nói, đi đứng, vui buồn tùy theo cái nhìn và sự chờ đợi của kẻ khác?
Tôi không thấy rõ mặt Mân trong bóng tối, chỉ nghe nàng nói thêm:
– Ở trong nước đã đành, nhưng ngay trong giới người Việt ở đây cũng vậy … em thấy mình khác mọi người quá. Nhưng này anh, Việt Nam cũng là của em nữa chứ.
*
* *
Sàigòn, 24 tháng 5, 1993, 1 giờ 12 sáng
Khải của em!
Chắc anh ngạc nhiên lắm. Có bao giờ em viết thư cho anh. Em ghét viết thư vì không biết người nhận thư sẽ đọc trong tâm trạng nào . Một câu nói đùa sẽ vô duyên khi người ta đang bực mình vì một ống nước hỏng trong nhà. Một tâm sự buồn sẽ lẩm cẩm khi người ta đang hồ hởi vì trúng áp phe . Em viết, vì cả ngày hôm nay cô đơn trong thành phố này . Và đêm mất ngủ, muốn ngồi nói chuyện với anh. Em từ Hà Nội vào đây tìm một người để làm việc, phải 2 hôm nữa mới gặp, nên cả ngày chẳng biết làm gì.
Ở đây em không tưởng tượng được anh sống ra sao, đang làm gì. Anh phải tăng gia sản xuất tranh, bớt ngồi uống rượu với mấy ông bạn Nam Mỹ của anh. Kỳ tới em về, chúng mình sẽ trở lại cái tiệm ăn đường Tiquetonne . Em chỉ nhớ tên đường vì nó dễ thương. Những tình yêu của anh chắc vẫn rối bời như thường lệ. Con nhỏ Fanny khôn lắm, anh phải coi chừng. Đến khi nào nó mới chịu về New York?
Thôi để em kể cho anh một ngày thừa thãi của em. Sáng sớm em kéo thằng nhỏ con bà chủ mini hôtel đi ăn quà sáng. Anh có biết phòng ở Phạm Ngọc Thạch bây giờ đã 40 đô . Đáng kiếp cho em, kỳ này nổi hứng chọn con đường đã vào nhạc của Phạm Duy, và ở cùng xóm với Trịnh Công Sơn. Mới sáng đã bực mình, ở chỗ bánh cuốn, bà bán hàng hỏi Việt kiều có còn biết ăn cà cuống hay không. Em chỉ nguôi giận khi nếm nước mắm bà ta pha . Tại sao anh và em chưa bao giờ cùng ở VN với nhau nhỉ? Nếu anh ở đây, em sẽ dẫn anh đi uống sữa bò tươi ở Thủ Đức. Buổi tối tụi mình sẽ tập nhảy ở Queen Bee .
Ăn xong về nhà, em quyết định hôm nay không gặp bạn bè người quen. Em không thuê xe Cúp, mượn xe đạp để lang thang trong thành phố. Em vừa đi vừa nhìn trời nhìn đất giữa rừng xe gắn máy . Chắc người ta tưởng em hoặc là một du khách, hoặc là một con điên. Đâu có ai ngờ em là cả hai . Một buổi sáng đủ thì giờ đi một vòng trong Chợ Lớn và ngồi lề đường Trần Hưng Đạo uống 2 ly nước mía cam vắt.
Chính ở chỗ này em nhớ anh lần đầu trong ngày . Khi nhìn thấy hai chàng thanh niên Pháp thích thú đạp xích lô đi qua .
Anh Khải, anh là ông Tây giấy của em. Anh làm em nhớ cả cái thành phố có con sông Seine lẳng lơ khi ẩn khi hiện. Nhớ những con ngõ đường đá của Butte aux cailles, những quán cà phê tình tứ của Mouffetard, những loại fromages bất hủ của chợ Montorgueil. Vớ vẩn nhất là em nhớ cả cái bừa bộn của nhà anh.
Mặc kệ cái cười mỉa mai của anh, em lên xe đi ăn trưa ở nhà hàng cơm Pháp của bà Đại . Ngồi vào bàn ăn, em tưởng tượng anh ngồi trước mặt, chỉ sợ anh sẽ chê chai Bordeaux em gọi là đồ dỏm nội hóa . Ở bàn bên cạnh có một anh chàng, em đoán là Bắc Âu, nhìn em với cái sỗ sàng của người đến từ một nơi văn minh. Vẻ phong trần của anh ta làm em nghĩ tới một phóng viên chiến tranh đến trễ một cuộc chiến.
Về ngủ trưa, em mơ thấy chúng mình yêu nhau trên một tấm vải lớn trải dưới đất. Trên vải trắng đã có nhiều lớp sơn dầu đủ màu . Những mảng sơn còn ướt tô điểm sự trần truồng của chúng mình, làm hai thân thể không còn phân biệt được khi quay cuồng trong màu sắc. Em say sưa ôm cái mạnh cái khỏe của anh, còn anh hăng say đưa đẫy theo nhịp nhúng nhẩy mềm mỏng của em. Tay anh mân mê đầu vú của em, em thì thả lòng mình chìm đắm trong hoang lạc nhấp nhô của anh. Anh cho em những giọt diễm tình khi đến phút cao điểm. Em mơ cho anh một thằng con trai kháu khĩnh…..Giữa chiều em mới ngủ dậy .
Địa điểm du lịch gần nhất là nhà ông Diệm và ông Thiệu, ở Dinh Thống Nhất. Tới nơi, em dụ được một đứa bé mua hộ vé để sau đó hiên ngang dắt xe đạp vào Dinh với vé người trong nước, rẻ hơn vé Việt kiều gần 10 lần. Ở trong, em chẳng cảm thấy gì khi đứng trước những ngai vua và các phòng tiếp quan của triều đình. Chỉ học được thêm một chi tiết lịch sử là bà Nhu hồi đó thích đánh bài mạt chược. Quyền lực chính trị của một thời chỉ còn là những trang trí tìm cảm kích.
Đến cuối chiều, em ra bến tàu hứng gió, nhìn những cặp uyên ương thề thốt với nhau dưới chân Khách Sạn Nổi, cung điện mới của những nhà tư bản xã hội chủ nghĩa . Một ngày nào đó những cặp tình nhân này cũng sẽ mua được những chiếc xe hơi Nhật mới tinh.
Khi thành phố lên đèn, em chợt nhớ một phụ nữ không thể ngồi buổi tối một mình trong một nhà hàng. Em đến khu cơm bình dân gần chợ Bến Thành. Những bàn ăn trên lề đường phải nhờ ánh sáng của các tiệm phía trong, làm em ngại ngồi vào bàn, đến đứng cạnh xe hàng mì và để đĩa mì xào trên yên xe đạp mà ăn.
Ông già bán hàng vừa cắt thịt vừa lẩm bẩm một mình.
– Con gái trẻ đẹp như vậy mà mặt như đưa đám. Chắc lại thất tình. Đúng là một thời buổi nhốn nháo.
Sau đó em về nhà mượn xe Cúp. Em chạy khắp các con đường, khu xóm của thành phố này . Len lỏi giữa những dòng xe nườm nượp chảy . Đuổi theo những bóng xe thoáng thấy trong đám đông. Chạy đi chạy lại giữa những không gian sặc sỡ đèn màu và những không gian đen đậm bóng đêm. Em chạy mãi, chạy mãi, cho đến khi những ồn ào, bụi bậm và ánh đèn của thành phố thấm đủ vào người để về tìm giấc ngủ. Tại sao ở Sàigòn, Paris hay Hà Nội, chẳng có chỗ nào cho em sống?
Bây giờ em kể chuyện cười cho anh nghe . Em đã có khá nhiều chuyện về kinh tế thị trường theo định hướng XHCN. Để trao đổi với những chuyện tục và chuyện người Bỉ của anh.
Nhưng thôi em phải ngừng ở đây . Chưa gì đã có chỗ bị ướt nhòa . Không lẽ nói dối anh là thư bị hắt mưa . Anh có biết chúng mình xa nhau đến nửa vòng địa cầu ?