Chỉ cần cái hộ khẩu Hà Nội, có vợ hay không chẳng quan trọng
Trâm Anh (Kế toán tại một công ty Cp chuyên vật liệu xây dựng) có “tình trường” với các anh có vợ được 2 năm. Bắt đầu vào công ty, cô dứt hẳn mối tình sinh viên một cách đơn giản nhẹ nhàng với lý do: “Anh ấy quê ở Yên Bái, em ở Ninh Bình. Tết nhất chạy đi chạy lại 2 nơi có mà phát hãi. Hơn nữa, em muốn “câu” được một anh Hà Nội, có cái hộ khẩu cho yên tâm”.
Từ giã mối tình đầu, Trâm Anh bắt đầu tăm tia các anh ở Công ty. Khổ nỗi, công ty cô chuyên về xây dựng nên “các giai” hầu hết đã yên bề gia thất. Một năm 2 lần tuyển dụng thì đều tuyển về các anh ngoại tỉnh. “Ừ thì cũng được trai, ừ thì cũng tốt tính, nhưng mà không đủ tiêu chuẩn của em”, Trâm Anh chép miệng.
Các anh chàng ngoại tỉnh không đủ tiêu chuẩn của Trâm Anh, nhưng các anh có vợ thì lại “ok”. Trâm Anh tâm sự: “Em vừa đi xem bói, thầy nói số em phải chịu thua thiệt, kiếm một người có vợ hoặc đã lỡ 1 lần đò mà yêu”. Không biết từ lúc nào, cánh chị em trong công ty xì xào bàn tán Trâm Anh đang bắt cá 2 tay, một anh đã đính hôn mấy tháng nữa thì cưới tạm gọi là anh số 1, một anh góa vợ mấy năm đang nuôi một cô con gái tạm gọi là anh số 2.
“Các anh chàng ngoại tỉnh không đủ tiêu chuẩn nhưng các anh có vợ thì lại “ok”.”
Vốn tính tình rất “biết điều”, ai nói gì cũng một điều dạ hai điều vâng, Trâm Anh rất được lòng “hội bà tám” trong công ty. Vì thế, họ không làm to chuyện, chỉ thỉnh thoảng lôi ra “trà nước” cho qua buổi cơm trưa công sở.
Được một thời gian, “câu chuyện trà nước” ấy lọt vào tai vợ chưa cưới của anh số 1. Cô vợ chưa cưới lên công ty làm ầm lên, Trâm Anh sợ xanh mặt xua tay: “Đâu có đâu chị, em với anh ấy chỉ là đồng nghiệp bình thường”.
Sau chuyện đó, không chỉ anh số 1 mà cả anh số 2 thấy lấp ló bóng dáng Trâm Anh là chạy “bay cả thước”. Cô nàng ngậm ngùi: “Kiếm cái hộ khẩu Hà Nội khó ghê đó chị. Chắc sắp tới em phải chuyển công ty thôi, phong thủy đất này không hợp với đường tình duyên của em chút nào cả”.
Tôi chả cần chồng, chỉ cần chiều
Khác với Trâm Anh, Kim Dung (28 tuổi, làm việc tại công ty quảng cáo trên đường Lê Đại Hành) có “lý lịch” rất ổn: Xinh xắn, gái Hà Nội gốc, có công việc ổn định, lại vừa du học thạc sỹ ở Úc về, cô nàng hội tụ đầy đủ yếu tố để có thể “bắn gục” bất kì chàng trai tự do nào, nhưng chuyện đời khó đoán…
Kim Dung từng nhún vai ngán ngấm, chê các anh chàng Việt Nam quá cổ hủ lạc hậu, trẻ thì chỉ lo ăn chơi, đến khi có tuổi có chút sự nghiệp thì bị “sư tử Hà Đông” kìm kẹp: “Thế nên, tôi thích các anh có vợ, mà vợ quê quê một tý càng tốt, các anh có vợ tầm trên U30 thường là thành đạt, biết chiều chuộng, có kinh tế. Thế mới đáng để tôi bỏ thời gian”.
Anh “người yêu” Kim Dung làm cùng công ty, hơn cô 5 tuổi. Vợ chồng anh có 2 cái nhà, 1 cái nhà cả gia đình đang ở với 1 cậu con trai nhỏ, 1 cái cho thuê. Anh chàng mạnh tay đứng tên Dung thuê nguyên căn nhà đó, chỉ để mỗi khi “nhớ nhau” quá thì Dung lại về đó nấu nướng ăn uống, chuyện trò “tâm sự” với nhau một chút.
Dung cũng chẳng giấu giếm ai mối quan hệ của mình, những bữa “tâm sự” lúc chiều tối chưa đủ, 2 anh chị lại dẫn nhau đi ăn trưa, hôm nào có hẹn ăn trưa với bồ, Dung lại xin nghỉ buổi chiều. Cô còn bày cách cho anh “người yêu” đổi từ Iphone sang Back Berry, “Black Berry là dòng điện thoại dành cho doanh nhân, rất khó dùng và chế độ bảo mật rất tốt, cô vợ nhà quê mù công nghệ nhà “lão” còn lâu mới mò ra được”.
Hỏi vì sao không chọn một anh chàng “giai tân” môn đăng hộ đối để yêu, Kim Dung chỉ cười: “Tôi chả cần chồng, chỉ cần được chiều. Lấy chồng rồi lại chả không lọ mọ như vợ lão kia, hết giờ làm hùng hục về cơm nước con cái đến bã ra. Mà tôi đang làm gì, tôi và anh ấy đang ăn ở một cửa hàng Pháp, với rượu vang ngọt lịm và nhạc violin kéo du dương. Nếu là bạn, bạn sẽ chọn điều gì”?
“Nghề chơi” cũng lắm công phu
“Cưa một anh trai tân khó 1, thì cưa một anh có vợ khó gấp trăm lần” là chia sẻ của Kim Dung. Phải biết điểm yếu của anh chàng là gì rồi đánh mạnh vào đó, “Anh ấy là một người lãng mạn, trong khi cô vợ khô khan, suốt ngày chỉ tiền tiền. Tôi mua tặng anh ấy những cuốn tiểu thuyết ngọt ngào của Marc Levy, làm cho anh ấy một hộp cơm được trang trí công phu, hay đơn giản là tách cà phê ấm áp vào những ngày anh ấy ở lại làm muộn.
Sau rồi, tôi rủ anh ấy đi ngắm hoa loa kèn nở, đi thả diều ở Mỹ Đình… Những việc làm nhỏ đó đánh mạnh vào tâm lý của anh ấy, giúp anh ấy lại được trở về cái thời 18, đôi mươi. Thế rồi, tôi trở thành một phần không thể thiếu với anh ấy, tình cảm này không phải chỉ là thể xác, nó thực sự vững bền”.
Khi được hỏi Kim Dung định nghĩa thế nào là “sự vững bền” khi anh hồng “hờ” bắt đầu thưa dần những buổi hẹn vì cô vợ “nhà quê” đã cảm nhận được điều gì đó, vì cậu con trai dạo này hay sổ mũi ẩm ương suốt ngày đòi bố, Kim Dung chỉ thở dài: “Không biết ngày mai ra sao, mình cứ sống cho hôm nay vui vẻ là được”.
Một thời gian ngắn sau gặp lại Trâm Anh với cái bụng lùm lùm, cô nàng nước mắt ngắn dài: “Anh ấy hứa sẽ bỏ vợ cưới em mà cứ dền dứ mãi. Mới đây em phát hiện ra anh ta không chỉ cặp với em mà còn với mấy cô nữa, chỉ mình em dại… Theo cái đà này, em phải bỏ vào Sài Gòn sống quá. Trong nam người ta sống thoáng hơn, dễ thở hơn. Có khi em sẽ kiếm được cái hộ khẩu Sài Gòn cho em và con em được”.
Cuộc sống có nhiều con đường, mỗi người chọn con đường cho mình. Đó là quyết định của mỗi người, khó ai có thể và có quyền can thiệp. Tuy nhiên, vẫn nên suy nghĩ và lựa chọn sau cho ngày mai của bạn là những ngày tươi sáng, chứ không phải là nụ cười trong chốc lát rồi ngậm ngùi mãi về sau. Lúc đó, những tổn thương dù được biện minh thế nào chăng nữa, vẫn sẽ xảy ra và góp phần làm dài thêm bản danh sách những bi kịch gia đình.
(Công sở)