Chị mắc cái bệnh nhà mình cái gì cũng tốt nhất còn của người khác cái gì cũng hẩm hiu hết. Cho nên chị thường là người khuyên bảo người khác, dạy người khác cách dạy con sao cho ngoan, dạy chồng sao cho đúng, sao cho biết nghe lời vợ… Mọi người ai cũng biết tính chị nên cũng chỉ biết lặng mà cười. Chuyện nhà ai nhà ấy lo. Nhưng chị lại đi lo cho chuyện của cả thiên hạ, thì âu cũng là một đức tính tốt của chị giữa cái thời mà hàng xóm ra ngõ chả biết tên nhau này.
Bởi bây giờ người ta sống ở thành phố là tường cao rào sâu, có ai biết ai đâu? Nhưng được cái trong xóm nhỏ đã có chị là cầu nối nên chuyện nhà hàng xóm từ đầu ngõ tới cuối ngõ là ai cũng biết được cả qua kênh thông tin là chị. Mà chị lại là mẫu người lấy câu chuyện làm quà cho nên cũng khó tránh điều đó. Nói chuyện người khác chưa hết, khi nào tới nhà ai ngồi chơi chị cũng để ý cách ăn nói, dạy dỗ chồng con ở nhà người ấy rồi góp ý rất nhiệt tình. Có lẽ chị khi nào cũng thấy tâm đắc lắm với những kinh nghiệm gia đình của mình. Nên mới muốn truyền dạy cho chị em trong xóm.
“Thì ra bây lâu nay là thế, tiền lương của anh chị đừng hòng mà tiêu một đồng. Cứ lĩnh lương là anh gói gọn gửi ngân hàng. Thảo nào mà chị cứ tự hào tiền lương anh mang về không thiếu một xu.”
Một hôm mấy chị em trong xóm ngồi nói chuyện về lương của chồng. Thế là chị thao thao bất tuyệt: Lương chồng chị đưa cho chị không thiếu một xu. Lãnh lương xong là đặt đúng một cọc ấy vào tủ. Đếm thiếu một đồng chị cũng không nhận. Bọn mày cứ nhường nhịn, cho bọn hắn thích đưa bao nhiêu thì đưa là hỏng hết. Đàn ông thì cần gì tiêu tiền cơ chứ? Để cầm tiền trong tay là chỉ có hư người mà thôi! Này nhé: cơm thì về nhà vợ nấu cho ăn ngày đủ ba bữa rồi, ốm thì có vợ mua thuốc, quần áo vợ mua cho mặc, xe thì có rồi… Nếu muốn nhậu nhẹt, cứ về nhà vợ nấu cho vừa ngon vừa rẻ… Vậy thì cầm tiền làm gì ngoài việc đổ xăng hay uống nước là cùng?
Nghe chị nói, mọi người cũng chỉ biết cười trừ. Có chị thẽ thọt: Thì nhà em cũng chỉ cầm ít để đổ xăng xe hay cùng bạn bè đi uống chén nước chè mà thôi! Đôi khi đi đâu phát sinh thì cũng có đồng trong túi cho chủ động. Nên em cũng để chồng có đồng ra đồng vào một chút. Dù sao đi đâu có tiền trong người khi nào cũng thấy tự tin hơn mà! Chính bản thân mình cũng thế. Ra đường mà không có tiền trong người nó cứ như thế nào ấy! Nhất là mấy ông đàn ông, lâu lâu mới vô tình gặp bạn bè mà lại rỗng túi thì còn gì là sĩ diện nữa…
Chị lại đáp: đấy, chết là chết ở cái sĩ diện ấy đấy! Nói thế cũng chỉ vì chị em phụ nữ mà thôi. Biết quản chồng thì sướng cái thân. Thì mọi người ai cũng biết tính chị rồi nên cũng chỉ ngật đầu cho xong. Nhiều khi nói chuyện lại đùa nhau: Ở xóm này chỉ có chồng chị H là ngoan nhất thôi! Có ai ngoan được bằng anh ấy đâu! Chị H là sướng nhất đấy nhé! Và chị khi nào cũng cười: Gớm, cũng mất công dạy dỗ nhiều lắm ấy! Chứ có phải tự nhiên mà được thế đâu!
Nhưng một hôm, vì ở gần nhà nên tôi có nghe được chuyện hai vợ chồng chị nói với nhau chị bảo:
Mùa đông tới rồi, cái bình nóng lạnh nhà mình hỏng, hay là mua cái mới cho bọn trẻ tắm cho tiện anh?
Thì chồng chị đáp lại với giọng không hài lòng:
Lấy tiền đâu ra mà mua?
Thì tiền lương của anh chứ đâu! Bớt một tháng không gửi ngân hàng cũng đâu có chết ai đâu!
Anh nổi cạu:
Tiền đó một đồng cô cũng đừng có mà động vào. Tiền đó là để làm việc lớn, để xây nhà xây cửa chứ không phải ăn tiêu linh tinh! Nay một vài triệu, mai lại một vài triệu. Cứ sướng lên là tiêu thì còn gì nữa. Ngày xưa, không có nóng lạnh có chết đâu!
Chị lặng không nói gì. Tôi nghe tiếng bước chân chị đi ra ngoài ngõ. Còn mình thì khe khẽ thở dài. Hóa ra chị sống trong cái cảnh người ngoài cười nụ người trong khóc thầm như vậy. Đàn bà đôi khi cũng tự làm khổ bản thân một cách thật ngốc nghếch như thế đấy! Mọi người biết anh là người kiệm lời ít nói, chứ ít ai biết anh lại chặt chẽ, cổ hủ tới mức vậy!
Thì ra bây lâu nay là thế, tiền lương của anh chị đừng hòng mà tiêu một đồng. Cứ lĩnh lương là anh gói gọn gửi ngân hàng. Thảo nào mà chị cứ tự hào tiền lương anh mang về không thiếu một xu. Ngày trước lương thấp thì hai vợ chồng đi làm mới đủ trang trải cho cuộc sống. Nhưng mấy năm trở lại đây, lương cao hơn nên anh mới làm thế để lo chuyện nhà cửa. Có lẽ lúc đầu chị cũng mãn nguyện thật. Nhưng khi con cái, gánh nặng cơm áo gạo tiền đè nặng lên vai thì chị mới thấy nó không còn là ưu điểm nữa.
Tiền chị đi làm về là để chi tiêu ăn uống và lo cho sinh hoạt thường ngày của gia đình. Nếu thiếu chị lại hỏi xin bố mình hoặc em gái vì hai người họ khá dư dả. Có lẽ cũng vì thế mà anh sinh ra tính dựa dẫm vào đó. Cuộc sống cứ thế trôi đi trong căn nhà nhỏ ấy. Tiền anh anh cứ cất ngân hàng và tiền chị chị vẫn dùng để chi tiêu cho cả nhà. Cho tới một hôm con ốm phải đi viện mà anh vẫn nhất định không đưa lương tháng đó. Thậm chí con đi học thêm cần tiền hỏi xin anh thì anh bảo ra mà xin mẹ. Ấy vậy nhưng khi ở nhà anh có chuyện gì là anh chẳng hề ngần ngại mà rút tiền mang cho. Nhất là khi em trai út anh cưới vợ, anh đã giấu chị rút hai mươi triệu đưa cho mẹ lo cho em. Chị biết nhưng cố nhịn vì dù sao anh cũng là trưởng, lo cho em cũng là phải đạo. Nhưng hôm nay thì chị không thể chịu thêm được nữa. Bao nhiêu nhẫn nhịn và ấm ức trong lòng chị bùng lên.
Chị nói với anh:
Tháng này, anh đưa tiền cho tôi và tôi sẽ tiêu nó cho cái gia đình này. Con ốm và tôi không mặt dày đi xin bố và em gái tôi được nữa. Đợi đến khi anh đủ tiền làm nhà thì mẹ con tôi không biết có sống được tới ngày đó mà hưởng thụ hay không? Anh chỉ chăm chăm nghĩ tới cái nhà mà anh xây, nghĩ tới người nhà anh, thế còn mẹ con tôi có vị trí nào trong cuộc sống của anh?
Mà hôm nay chị cũng không nghiến răng mà nói như mọi khi nữa mà bao nhiều ấm ức chỉ tuôn ra hết cho tất cả xóm ai cũng nghe được. Có lẽ như thế chị cũng sẽ thấy nhẹ nhõm hơn chăng?
Nhưng từ hôm đó, không ai còn thấy chị vui vẻ mà dạy dỗ mọi người cách dạy chồng nữa. Mọi người cũng không rõ là anh có chịu đưa tiền lương cho chị tiêu không hay vẫn gói gọn không thiếu một đồng mà gửi ngân hàng để chờ ngày có đủ tiền mà xây một cái nhà khang trang?
Vẫn biết tiết kiệm là tốt, nhưng trong cuộc sống, cái gì quá cũng không tốt. Và một người chồng khi nào cũng đặt ra những nguyên tắc bất di bất dịch cho cuộc sống mà không chịu linh động mà thay đổi theo từng hoàn cảnh, thì thực sự sẽ khiến cuộc sống của chính bản thân và những người thân trong gia đình trở nên ngột ngạt và khó chịu. Và có lẽ, chị sẽ chẳng khi nào thấy hạnh phúc khi người chồng của mình vẫn nhất nhất ngoan theo kiểu ấy nữa!
(Vợ chồng)